Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS đặt mục tiêu “Ba không” nghĩa là: Không nhiễm HIV mới, không chết do AIDS và không phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS

Để đạt được mục tiêu này, nhiều giải pháp cần được thực hiện trong đó áp dụng phương pháp điều trị 2.0 là một trong các giải pháp quan trọng. Điều trị 2.0 là một biện pháp đơn giản hóa phương thức điều trị nhằm tăng số người được sử dụng thuốc, làm giảm nhanh số người chết do AIDS, đồng thời giúp cho công tác dự phòng có hiệu quả. Chiến lược điều trị 2.0 gồm có 5 thành tố chính:

1. Tối ưu hóa công thức thuốc điều trị

Để tối ưu hóa công thức thuốc điều trị cần xây dựng công thức chuẩn và phối hợp thuốc dễ sử dụng, ít độc tính để tăng tính tuân thủ điều trị và giảm khả năng dẫn đến kháng thuốc. Như vậy cần kết hợp nhiều loại thuốc trong một viên, kích thước viên dễ chấp nhận, giảm số lượng viên trong một lần uống và giảm số lần uống trong một ngày. Công thức thuốc điều trị phù hợp cho cả người lớn, trẻ em và phụ nữ mang thai, ít tác dụng tương tác với các thuốc khác như thuốc chống lao, methadone.v.v.

Nhiều bằng chứng chỉ ra rằng điều trị sớm làm giảm vi rút trong máu do vậy có thể làm giảm lây truyền HIV qua đường máu, đường tình dục và từ mẹ sang con. Nghiên cứu mới đây của Trường Đại học Washington chỉ ra rằng các cặp bạn tình ở châu Phi có một trong hai người nhiễm HIV, khi được điều trị bằng ARV có thể làm giảm nguy cơ lây truyền HIV tới 96%. Do vậy điều trị sớm bằng thuốc kháng vi rút trở thành một chiến lược dự phòng. Có thể nói Điều trị ARV là để dự phòng lây nhiễm HIV.

2. Chẩn đoán nhiễm HIV tại cơ sở chăm sóc, điều trị và sử dụng các phương pháp chẩn đoán mới:

Việc chẩn đoán nhiễm nhằm cải thiện việc xét nghiệm chẩn đoán HIV và kết nối trực tiếp dịch vụ chăm sóc. Trên thế giới hiện nay chỉ có 40% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV. Một trong các cản trở chính việc tiếp cận xét nghiệm HIV là độ bao phủ của các dịch vụ xét nghiệm còn hạn chế và vấn đề kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS. Do vậy để tăng tỷ lệ người được xét nghiệm HIV – điểm khởi đầu cho điều trị, cần phải đơn giản hóa xét nghiệm HIV thông qua sử dụng các test nhanh có độ nhạy và độ đặc hiệu cao, chẩn đoán nhanh, chẩn đoán sớm. Việc xét nghiệm này cần được thực hiện rộng rãi tại cộng đồng. Đồng thời cần lồng ghép, kết nối việc chẩn đoán, điều trị vào các chương trình chăm sóc sức khỏe quốc gia khác như chăm sóc sức khỏe sinh sản, chương trình lao, phòng, chống các bệnh nhiễm khuẩn qua đường tình dục v.v… Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng các dịch vụ dựa vào cộng đồng có tác dụng làm tăng tỷ lệ xét nghiệm HIV, tăng tỷ lệ sử dụng các dịch vụ điều trị và dự phòng cũng như làm tăng việc tuân thủ điều trị, dự phòng và giảm kỳ thị. Đồng thời việc bắt đầu điều trị sớm có tác dụng tăng hiệu quả điều trị và giảm kháng thuốc, tăng chất lượng sống của người nhiễm HIV và tăng tuổi thọ của họ

Việc chẩn đoán HIV sớm bằng các xét nghiệm nhanh sẽ tao điều kiện cho người bệnh sớm biết được kết quả, và cơ hội dễ dàng kết nối với việc đăng ký quản lý người nguồn lây; người bệnh sẽ có cơ hội điều trị ARV sớm.

3. Phân quyền cho y tế cơ sở, lồng ghép, kết nối với hệ thống y tế hiện có và các chương trình y tế khác.

Hoạt động phòng chống HIV/AIDS cần phải được lồng ghép chặt chẽ với hệ thống y tế hiện hành, phân cấp dự phòng, chăm sóc và điều trị tới tuyến y tế cơ sở: tuyến y tế quận,huyện, xã phường và thôn bản; tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều người tiếp cận với dịch vụ này. Gắn kết với các chương trình y tế hiện có tại địa phương: như chương trình chống lao, chương trình chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, chương trình dân số và kế hoạch hóa gia đình; chương trình phòng chống suy dinh dưỡng, chương trình sức khỏe tâm thần; phòng và chống các bệnh không lây nhiễm .v.v. kết nối với các chương trình phát triển kinh tế xã hội khác như xóa đói giảm nghèo, bảo hiểm y tế để duy trì tính bền vững đối với công tác phòng chống HIV/AIDS trong giai đoạn mới.

4. Giảm chi phí điều trị

Khi áp dụng những công cụ chẩn đoán đơn giản sẽ làm giảm gánh nặng của ngành y tế và giảm chi phí. Tối ưu hóa công thức điều trị là cơ hội giảm chi phí trực tiếp và gián tiếp: từ giá thành của thuốc, đóng gói, kho bãi bảo quản, phí vận chuyển, và sử dụng của bệnh nhân. Bệnh nhân được chẩn đoán sớm và điều trị sớm sẽ giảm chi phí nằm viện, giảm kinh phí điều trị nhiễm trùng cơ hội.

Sử dụng phương pháp điều trị 2.0 do không phải theo dõi phức tạp trong điều trị, điều này dẫn đến tiếp tục giảm chi phí xét nghiệm và theo dõi của bệnh nhân. Điều trị 2.0 sẽ phân cấp điều trị cho bệnh nhân tới y tế cơ sở gần nơi người bệnh sinh sống và và lồng ghép với hệ thống y tế hiện hành như vậy sẽ giảm đáng kể kinh phí đi lại và tiết kiệm được nguồn nhân lực y tế

5. Đẩy mạnh huy động cộng đồng và bảo vệ quyền con người

Phòng chống HIV/AIDS là trách nhiệm của toàn xã hội; Tuyên truyền giáo dục sức khỏe để tăng hiểu biết của nhân dân trong công tác phòng chống đại dịch HIV; công cuộc phòng chống HIV là trách nhiệm của mỗi người. Huy động các ban ngành đoàn thể tham gia, từng bước giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người có HIV; đồng thời huy động sự tham gia của người có HIV và những người có hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV tham gia vào việc dự phòng, chăm sóc và điều trị.

Các giải pháp dựa vào cộng đồng có thể cải thiện năng lực của quần thể có hành vi nguy cơ cao (như người sử dụng ma túy, người bán dâm, người có quan hệ tình dục đồng giới nam) tiếp cận các dịch vụ và tạo ra hiệu quả trong việc điều trị thuốc kháng vi rút cũng như dự phòng nhiễm mới HIV.

Trong thời gian qua, Việt nam đã đạt được thành quả đáng khích lệ trong công tác dự phòng, chăm sóc điều trị nhiễm HIV; Song vẫn còn nhiều thách thức cần phải khắc phục trong giai đoạn tới: Phần lớn số bệnh nhân điều trị ARV hiện nay được bắt đầu điều trị trong giai đoạn muộn, tình trạng miễn dịch đã suy giảm trầm trọng, số tử vong trong giai đoạn đầu điều trị còn cao. Phần lớn nguồn đầu tư cho công tác này do tài trợ từ các tổ chức quốc tế, đồng thời tiếp cận theo từng dự án riêng rẽ, chưa tạo tính đồng bộ trong công tác quản lý trên toàn hệ thống;

Nhận thức được lợi ích của phương pháp điều trị 2.0. và đảm bảo tính bền vững cho công cuộc phòng chống HIV/AIDS, Việt Nam sẽ làm một trong các nước đi tiên phong trong việc áp dụng phương pháp này. Trước mắt Bộ Y tế sẽ triển khai thí điểm phương pháp điều trị 2.0 tại hai tỉnh Điện Biên và thành phố Cần Thơ. Sau sơ kết sẽ tiếp tục triển khai mở rộng ra các tỉnh, thành phố khác trên toàn quốc.