Tuổi trẻ Thủ đô ra quân hưởng ứng hành động phòng, chống ma túy. Ảnh: TRẦN HẢI
Cuộc chiến chống ma túy hiện nay tiềm ẩn nhiều hiểm họa khó lường với sự xuất hiện của nhiều dạng độc hại mới. Các đường dây xuyên quốc gia buôn bán, vận chuyển với khối lượng lớn, khiến cho số ma túy lọt sâu nội địa còn rất nhiều. Ðòi hỏi lúc này là phải có chiến lược, đối sách phù hợp nhằm phòng ngừa, ngăn chặn từ xa và thật sự hiệu quả...

Ðối mặt nhiều thách thức

Do áp lực sản xuất, mua bán ma túy trên thế giới và khu vực ngày càng lớn, đặc biệt từ vùng "Tam giác vàng", cuộc chiến phòng, chống hiểm họa độc hại này đang diễn biến ngày một phức tạp. Nguồn ma túy chủ yếu thẩm lậu từ nước ngoài bằng cả đường bộ, đường biển và đường không. Các đối tượng ngoại biên tập kết ma túy bên kia biên giới, móc nối đồng bọn trong nội địa thẩm lậu, nóng bỏng nhất là tuyến biên giới Việt - Lào, tập trung ở các điểm nóng Mộc Châu (Sơn La), Tương Dương, Quế Phong (Nghệ An). Mỗi nhóm từ 5 đến 7 tên, vượt rừng chở "hàng", dùng vũ khí nóng sẵn sàng chống trả quyết liệt khi bị phát hiện, bắt giữ. Nhiều đối tượng còn dùng kim tiêm dính máu nhiễm HIV đâm trả, mua chuộc cán bộ thoái hóa, biến chất tiếp tay hoạt động phi pháp. Tuyến đường biển vẫn tiềm ẩn với nhiều vụ vận chuyển số lượng lớn (có vụ tám tấn cần sa), nhưng phát hiện, xử lý khó khăn do đối tượng lợi dụng hình thức tạm nhập tái xuất hàng hóa qua các cảng biển.

Xu hướng quốc tế hóa tội phạm ma túy (TPMT) ngày càng cao với nhiều đường dây xuyên quốc gia được thiết lập buôn bán hàng tấn cần sa, hàng trăm bánh hê-rô-in và tiềm ẩn nguy cơ rửa tiền. Ngày càng nhiều TPMT nước ngoài triệt để lợi dụng sự thông thoáng, thuận lợi khi Việt Nam gia nhập WTO, AFTA..., nhập cảnh vào nước ta, núp bóng dưới vỏ bọc tinh vi để buôn bán ma túy hoặc quá cảnh vận chuyển sang nước khác. Nhức nhối nhất là tuyến hàng không. Các đối tượng gốc Phi lôi kéo nhiều phụ nữ nhẹ dạ vận chuyển ma túy, thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn xảo quyệt đối phó hàng rào kiểm soát tại sân bay.

Một hiểm họa lớn là ma túy tổng hợp (MTTH) hoành hành ngày càng dữ dội. Loại ma túy độc hại này xuất hiện ở nước ta đã hơn 15 năm, tàn phá ghê gớm cơ thể và tâm thức người sử dụng. Tuổi trẻ hiếu động, thích khám phá, chơi trội, thiếu kiềm chế nên ban đầu chỉ thử để giải khuây, sau dần bị lệ thuộc. Một số vũ trường, nhà nghỉ, khách sạn, phòng hát karaoke, xe ta-xi đã trở thành nơi chúng thể hiện thú ăn chơi ngông cuồng, thác loạn. Không ít đối tượng còn lợi dụng mạng in-tơ-nét, blog, gửi thư điện tử lôi kéo, dụ dỗ tham gia lập "hiệp hội lắc"; giao dịch mua bán MTTH. Người nghiện MTTH tăng, hàng loạt "động lắc" quy mô lớn như quán karaoke Song Ngọc (TP Hồ Chí Minh), quán bar Hương Xuân, các vũ trường Newcentury (Hà Nội), Ufo, Monaco (Hải Phòng)... bị đập tan, nhiều vụ buôn bán, vận chuyển hàng trăm nghìn viên MTTH bị bóc gỡ cho thấy, việc chặn đứng "cơn bão" này còn nhiều thách thức.

Phòng là chính

Thực tế cho thấy, khi áp dụng đúng chiến thuật, đối sách, sát thực tiễn, hiệu quả phòng, chống ma túy (PCMT) khả quan hơn nhiều. Minh chứng từ những chuyển biến tích cực khi lực lượng công an, biên phòng chủ động phối hợp với nước láng giềng chặn bắt ma túy ngay từ biên giới, cửa khẩu không để lọt sâu vào nội địa, triển khai đồng bộ các giải pháp "hạ nhiệt" điểm nóng ma túy nhức nhối, áp dụng chính sách ưu tiên kêu gọi TPMT ra đầu thú, tăng cường kiểm soát phát hiện ma túy qua đường hàng không, quản lý chặt chẽ hơn các vũ trường, nhà nghỉ, quán bar, karaoke không để biến thành "động lắc"... Tuy kết quả bắt giữ tăng (năm 1992 phá 300 vụ án; năm 2011 phá hơn 18.000 vụ, bắt hơn 26.000 đối tượng), song vẫn còn lượng lớn ma túy thẩm lậu. Nguồn "cung" tăng mạnh, do "cầu" còn nhiều. Hiện nay, cả nước còn 158.000 người nghiện có hồ sơ kiểm soát, cai nghiện còn bất cập, hiệu quả thấp (số người được cai chỉ chiếm hơn 20% tổng số người nghiện, chưa thống kê được số người nghiện MTTH và việc cai nghiện MTTH đang gặp nhiều lúng túng). Ðây cũng là bài toán nan giải, khi dự báo số người sử dụng MTTH có thể chiếm 20-30% tổng số người nghiện, lên tới 50% vào năm 2015.

Mặt trận PCMT vẫn sẽ còn cam go, lâu dài, đòi hỏi phải kiên trì, bền bỉ và sự vào cuộc quyết liệt hơn của cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương, sự phối hợp đồng bộ các lực lượng và chung tay của toàn xã hội. Buôn ma túy lãi cao, TPMT dùng mọi thủ đoạn tinh vi đối phó, nên công tác đấu tranh, điều tra, xử lý càng khó khăn. Ðáng chú ý hơn là hoạt động của TPMT xuyên quốc gia có yếu tố nước ngoài đang gia tăng, đi liền với các loại tội phạm kinh tế, hình sự, rửa tiền, công nghệ cao. Một số loại ma túy mới nguy hiểm sẽ tiếp tục xuất hiện đầu độc giới trẻ. Bên cạnh tình trạng tái trồng cây thuốc phiện, cây cần sa, nạn điều chế, sản xuất MTTH trong nước đang tiềm ẩn nguy cơ bùng phát... Do đó, để thật sự bớt đi gánh nặng rất lớn cho xã hội và mỗi gia đình có người nghiện, biện pháp "đi trước, đón đầu" trong giải quyết các vấn đề nổi cộm, trọng yếu, mới phát sinh về hiểm họa ma túy hiện nay càng đặt ra cấp bách hơn bao giờ hết.

Hoạt động TPMT cũng tuân theo quy luật đặc trưng của kinh tế thị trường, nên muốn phòng, chống hiệu quả, phải làm thật tốt khâu ngăn chặn nguồn "cung" và giảm "cầu". Ðó là, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực PCMT quản lý chặt chẽ người nghiện, nâng cao hiệu quả cai nghiện và quản lý sau cai; củng cố, nâng cao năng lực cho lực lượng chuyên trách trực tiếp trấn áp TPMT đủ sức đảm đương nhiệm vụ trong tình hình mới. TPMT hiện nay mang tính toàn cầu, nên không thể thiếu việc tăng cường hợp tác quốc tế học hỏi kinh nghiệm, tranh thủ nguồn tài trợ của các nước, đồng thời hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về PCMT phù hợp thực tế và đồng bộ với hệ thống pháp luật khác có liên quan.

PCMT muốn đạt hiệu quả lâu dài, phải lấy phòng là chính. Bước chuyển về nhận thức thời gian qua cho thấy, nếu quần chúng được tuyên truyền, giác ngộ tốt, họ sẽ chủ động phòng, chống và không tiếp tay cho kẻ xấu. Do vậy, cần nâng cao hơn nữa ý thức tự phòng từ mỗi công dân, gia đình, từng cộng đồng dân cư bằng hình thức giáo dục phổ biến pháp luật, tuyên truyền đa dạng, hấp dẫn, có chiều sâu, khắc phục bệnh hình thức, "mùa vụ"; gắn PCMT với giải quyết cơ bản các vấn đề kinh tế, xã hội liên quan với nguồn gốc phát sinh tội phạm.
Thiếu tướng VŨ HÙNG VƯƠNg