- Việc một cầu thủ nối danh như Huy Hoàng có triệu chứng phê thuốc gây tai nạn giao thông cũng có điểm tương đồng với câu chuyện gây sốc mà nhạc sĩ nổi tiếng Phương Uyên tạo ra ở cuộc thi the Voice (Giọng hát Việt).

Khi Phương Uyên là Huy Hoàng của bóng đá

Mấy ngày nay dư luận nổi sóng khi những đoạn ghi âm và hình ảnh ghi lại những vụ dàn xếp kết quả tại cuộc thi truyền hình thực tế Giọng hát Việt được phơi bày trước công luận. Trung tâm của "cơn bão" là giám đốc âm nhạc của chương trình The Voice - nhạc sĩ Phương Uyên. Cuộc họp báo được đơn vị đứng nắm bản quyền The Voice tổ chức, thay vì bị mất chức, Phương Uyên vẫn an toàn ở vị trí giám đốc âm nhạc, dù cô không còn giữ hình ảnh đẹp trong ánh mắt người hâm mộ.

Chỉ tới khi Cục Nghệ thuật biểu diễn yêu cầu giải trình về vụ việc này. Đồng thời nhà đài VTV cảm thấy không ổn khi dư luận vẫn "dậy sóng" đã làm việc với Ban tổ chức chương trình The Voice - Cty Cát Tiên Sa để Phương Uyên được rút khỏi "The Voice".

Hóa ra sự kiện liên quan đến Phương Uyên chỉ khiến dư luận thất vọng. Còn nhà tổ chức của the Voice chẳng hề hấn gì, còn xoa tay thu lợi, khi càng scandal càng trở nên nổi tiếng và đắt khách. Chẳng thế, giá quảng cáo trong chương trình tăng 2-3 lần so với trước sự kiện lộ kết quả dàn xếp của the Voice. Đó như chiêu trò quen thuộc trong giới showbiz Việt Nam để thu lại sự chú ý, quan tâm từ những chiêu trò câu khách.

Ngược về bóng đá nội lúc này, trường hợp cầu thủ Huy Hoàng cũng không khách gì nhạc sĩ Phương Uyên ở chương trình The Voice. Trung vệ người gốc Nghệ là đội trưởng và biểu tượng tại đội bóng Sông Lam Nghệ An trong 10 năm qua. Không những vậy, cầu thủ này từng là người đeo băng đội trưởng của tuyển Việt Nam, một trong những trung vệ xuất sắc nhất trong nhiều năm qua.




Cũng giống như giám đốc âm nhạc của The Voice, nhạc sĩ Phương Uyên (phải),
trung vệ Huy Hoàng dính sự cố chẳng vui vẻ gì trong những ngày qua
Nhưng trung vệ này đã phá bỏ tất cả hình ảnh vinh quang, biểu tượng của mình chỉ sau 1 vụ tai nạn giao thông ở Thanh Hóa. Sau khi gây tai nạn giao thông trên chiếc xe hơi đắt tiền, Huy Hoàng bị giữ lại trong tình cảnh không còn làm chủ được mình. Gần như mê man trong vô thức, Huy Hoàng lắc lư, nhảy múa theo tiếng nhạc... đúng triệu chứng của dân ''phê thuốc'' lắc.

Dư luận chờ bản án đúng người, đúng tội với Huy Hoàng, nhưng tiếc rằng mọi thứ lại êm đẹp một cách khó hiểu. Đầu tiên là việc công an Thanh Hóa kết luận Huy Hoàng say xỉn gây tai nạn, chứ không trong tình trạng phê thuốc, dù ai cũng thấy cầu thủ này có biểu hiện thế nào sau khi gây tai nạn. Rồi lãnh đội Sông Lam Nghệ An cũng ''nương tay'', khi không đưa án phạt cụ thể. Đến lượt VPF lẫn Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) cũng phải chờ báo cáo từ câu lạc bộ mới đưa ra án phạt.

Còn lâu bóng đá Việt hết "loạn"

Đã hơn 10 năm bóng đá Việt bước vào sân chơi chuyên nghiệp, nhưng sự nhiễu loạn của đời sống bóng đá nội vẫn còn. Đó là việc giải bóng đá xuất phát điểm không có nền tảng, dẫn đến hướng đi lệch lạc trong phát triển.

Thứ hỏi 10 năm qua, thành tích bóng đá Việt Nam tiến lên hay thụt lùi. Câu trả lời quá rõ khi hai đội tuyển thiếu hụt nhân tài, đạo đức cầu thủ suy giảm dù đời sống của họ vượt mặt bằng xã hội. Thậm chí bầu Đoàn Nguyên Đức của Hoàng Anh Gia Lai còn chửi: "Cầu thủ càng ngày càng... mất dạy'', nhưng tất cả cũng đều từ sự thiếu đồng bộ trong quan điểm xây dựng bóng đá ở ta.



Bóng đá Việt Nam còn lâu mới hết loạn, khi vụ án liên quan hậu vệ Huy Hoàng
bị người trong cuộc đánh ''chìm xuồng'' một cách nhanh chóng
Dù là giải chuyên nghiệp hàng đầu khu vực, nhưng con đường đi bóng đá Việt Nam lại thiếu căn cơ. Những ông bầu nhảy vào bóng đá không chỉ vì họ yêu trái bóng túc cầu, mà còn bị dự án, đất đai và những ưu đãi từ địa phương. Chẳng thế họ bơm tiền vào bóng đá theo kiểu kinh doanh, chứ không theo quy chuẩn. Việc dạy đá bóng ở ta thiếu đi việc đào tạo giáo dục, văn hóa, nên cầu thủ không có nền tảng, dễ lệch chuẩn.

Sự cố liên quan trung vệ Huy Hoàng vừa qua cũng chỉ là giọt nước tràn ly chứng tỏ đời sống bóng đá Việt Nam vẫn còn quá nhiều điểm tối. Đáng tiếc sau sự cố trên, những người làm luật bóng đá Việt vẫn dung dưỡng những biểu hiện chưa tốt trong đời sống bóng nội. Vẫn chưa án phạt nặng để cảnh cáo, làm gương cho những cầu thủ trẻ còn lại. Và người ta vẫn lo những cái chết liên quan chất ma túy từ Musisi, Molina... tiếp tục tái hiện tại V-League.

Hãy nhìn thử sau sự cố liên quan Phương Uyên, chương trình The Voice đã mất điểm thế nào trong mắt công chúng. Đã có làn sóng phản đối và yêu cầu nhà đài ngừng phát sóng The Voice trên truyền hình. Và e sự kiện nghi án ''phê thuốc'' của Huy Hoàng bị đánh chìm xuồng, hình ảnh bóng đá nội ngàng càng xấu xí trong mắt dư luận cả nước sẽ càng lớn dần. Lúc ấy, sân cỏ Việt Nam càng vắng khán giả hơn, khi khán giả không muốn là con rối để cầu thủ, đội bóng muốn làm gì thì làm, hệt như chương trình The Voice đã làm vừa qua.