Bác sĩ Võ Thị Kim Loan, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Đồng Nai cho biết: Bệnh nhân nhiễm lao và HIV/AIDS đang gia tăng và trở thành mối đe dọa sức khỏe cho người bệnh.
* Lao và HIV là bạn đồng hành
HIV là loại virus gây suy giảm miễn dịch ở người. Khi bị nhiễm HIV, chúng phát triển trong cơ thể, tấn công tiêu hủy dần các tế bào miễn dịch làm suy giảm hệ thống miễn dịch của cơ thể, tạo thuận lợi cho các bệnh nhiễm khuẩn cơ hội. Một trong những bệnh nhiễm khuẩn mà người bị HIV hay mắc nhất là nhiễm khuẩn lao. Người bệnh cùng một lúc mắc nhiều loại bệnh, đặc biệt là bệnh lao. Bệnh lao chiếm 50% trong tất cả các bệnh nhiễm trùng cơ hội.
Bệnh nhân tới khám tại Phòng khám ngoại trú cho bệnh nhân HIV/AIDS ở Bệnh viện đa khoa Biên Hòa. Ảnh: B. Hường
Người bệnh dễ bị nhiễm lao do vi khuẩn lao lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 1/10 người bị nhiễm lao chuyển thành bệnh lao vì sức đề kháng của cơ thể thông qua các tế bào miễn dịch. Khi vi khuẩn lao xâm nhập vào cơ thể, chúng bị các tế bào miễn dịch bao vây và tiêu diệt. Nhưng đối với người đã nhiễm HIV, hàng rào miễn dịch này đã bị phá vỡ và bệnh lao có cơ hội bùng phát. Cả bệnh lao và HIV đều có thể lây lan trong cộng đồng nếu mọi người thiếu hiểu biết, không biết cách tự bảo vệ mình.
Thuật ngữ LAO/HIV-AIDS xuất hiện để chỉ trạng thái bệnh lý của bệnh lao trên bệnh nhân nhiễm HIV. Người nhiễm HIV bị bệnh lao do suy giảm miễn dịch nên thường mắc các thể lao ngoài phổi đã kháng đa thuốc. Vì vậy, điều trị LAO/HIV-AIDS rất khó khăn, tốn kém, ít hiệu quả. Bệnh nhân LAO/HIV-AIDS thường tử vong trong vòng 2-3 tháng mặc dù đã được dùng cả thuốc đặc trị lao và thuốc kháng virus.
* Cần phát hiện và điều trị sớm
Cũng theo bác sĩ Loan, hiện nay, bệnh HIV/AIDS vẫn chưa có vaccine dự phòng, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, công tác tư vấn về LAO/HIV-AIDS đã được Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Đồng Nai và các cơ sở y tế trong tỉnh đẩy mạnh. Tuy nhiên, do mặc cảm nên nhiều người bị nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS hoặc bị bệnh lao đều mang tâm lý mặc cảm, lo âu và thường có phản ứng tiêu cực làm lây lan cho người khác. Vì vậy, phát hiện sớm và điều trị sớm có ý nghĩa quan trọng trong việc phòng chống lao.
Đối với người lớn, khi có các dấu hiệu nghi ngờ sau cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị: Ho khạc kéo dài trên 2 tuần mà uống thuốc kháng sinh thường không đỡ; sốt nhẹ về chiều; gầy sụt cân; ra mồ hôi trộm về đêm.
Đối với trẻ sơ sinh vẫn tiến hành tiêm vaccine BCG theo chương trình tiêm chủng mở rộng.
Bích Hường (ghi)