Truyện tranh, truyện cổ tích vẫn là một món ăn tinh thần không thể thiếu cho trẻ. Tuy nhiên nhiều NXB đã cho ra đời những cuốn truyện thiếu nhi khiến phụ huynh đọc cũng phải… xấu hổ.
Dung tục, gợi dục
Không khó để bắt gặp những cuốn truyện cho thiếu nhi có nội dung “khác thường” ở các kệ sách vỉa hè trên đường Phạm Văn Đồng, các nhà sách trên đường Đinh Lễ… hay trên các trang mạng đọc sách trực tuyến. Nhân vật đều ngồi trên ghế nhà trường nhưng nữ sinh thường được vẽ với trang phục hở hang, gợi dục, khiêu khích, còn nam sinh thường dài cổ “nhòm ngó” các điểm nhạy cảm của nữ sinh. Lời thoại truyện còn được biến tấu dung tục và nhảm nhí. Điển hình, truyện tranh A Need Gire được chuyển thể của Nhật ngoài các hình ảnh truyện sex, nhữnglời thoại “chợ búa” như “mẹ kiếp, sợ vãi đái, oánh bỏ mẹ nó…” thường xuyên xuất hiện.
Bộ truyện Ô Long Viện chuyển thể của Trung Quốc được phát hành bởi NXB Kim Đồng cũng có không ít đoạn trào lộng một cách… nhảm nhí. Nhân vật hòa thượng luôn được miêu tả háu gái, tham lam. Trang 94 tập hai để cứu sư huynh là hòa thượng đang bị nhốt trong tù, nhân vật nữ sẵn sàng lột trần như nhộng trước mặt lính gác để dùng… mĩ nhân kế.
Đọc được tập truyện tranh “Truyền thuyết công chúa Hoa Anh Đào” của Nhật được tìm thấy trong hộc bàn cậu con trai 12 tuổi, chị Hoàng Thị Luyến (Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội) “đỏ tím mặt” về những hình vẽ, lời thoại và nội dung yêu đương không dành cho tuổi thiếu nhi. Mặc dù truyện đã đem đi “tiêu huỷ” và cậu con trai cũng được “thiết quân luật” nhưng chị Luyến vẫn còn không hết ám ảnh, vì “có khi con sẽ tìm đọc sau lưng bố mẹ”.
Ám ảnh chết chóc
Không chỉ truyện tranh, nhiều cuốn truyện cổ tích dành cho độ tuổi từ một đến năm còn bị cắt xén, thêm bớt, xuyên tạc không thương tiếc. Cuốn “100 truyện cổ tích thế giới kinh điển” của nhà xuất bản VHTT năm 2011, quá nửa số truyện dịch không có nội dung giáo dục trẻ em. Một số truyện có tính chất ám ảnh về những cái chết rất… lãng xẹt: “Câu chuyện về con cóc” kể về một cậu bé ngoan hiền làm bạn với con cóc ở góc nhà, cậu thường xuyên đem bánh và sữa đến cho cóc ăn, một ngày nọ mẹ cậu bé phát hiện ra và dùng chân đá vào con cóc. Từ khi không còn bạn cóc, cậu bé buồn bã không ăn uống gì chẳng bao lâu kiệt sức rồi chết. Tương tự, truyện “Ba người bạn tốt” cũng kết thúc bằng việc cả ba người cùng chết… “Thế là một gia đình hạnh phúc bỗng nhiên tan rã” - trích truyện.
Truyện “Hoàng tử ếch” trong tuyển tập này còn bị “biến dạng” một cách ngớ ngẩn: Thay vì nụ hôn cảm động, hoàng tử ếch bị công chúa đạp xuống đất vì dám cả gan leo lên giường ngủ của nàng nên biến thành hoàng tử đẹp trai. Đáng buồn hơn truyện “Vị vua ngốc nghếch” trong tuyển tập này còn kể về một ông vua “bệnh hoạn”,truyện loạn luân đòi cưới bằng được con gái mình, đến mức công chúa phải tìm đến cái chết để đe dọa nhà vua nhưng vẫn không được đành bỏ nhà ra đi…
Chị Nguyễn Mai Hoa (Vĩnh Yên - Vĩnh Phúc), sau khi đọc truyện “Vị vua ngốc nghếch” cho con gái năm tuổi nghe, phải “ngậm hạt thị” khi con hỏi “Sau này mẹ chết, bố có lấy con làm vợ được không?”. “Lúc mua không biết, lúc lỡ mồm đọc rồi mới tá hỏa” - chị Hoa cho biết. Cô Nguyễn Phương Thịnh - Giáo viên Trường mầm non Gấu Misa chia sẻ: “Truyện cổ tích, truyện tranh có tác động rất lớn đến tâm lý và nhận thức của trẻ, đặc biệt là trẻ năm tuổi. Lúc này, các con bắt đầu hình thành nhận thức đúng - sai, tốt - xấu về thế giới chung quanh. Chính vì vậy, những cuốn truyện không có tính giáo dục, hoặc lệch lạc về chuẩn mực đạo đức sẽ làm hại tâm hồn các con”.
TS Nguyễn Thụy Anh - Chủ nhiệm CLB đọc sách cùng con: “Tiếp xúc với những truyện như thế, trẻ dễ bắt trước câu cú của nhân vật trong truyện, điều này khiến trí tưởng tượng của trẻ bị kìm kẹp, thế giới cổ tích vô tình bị tàn hại đi. Cũng như rau quả đang bị phun thuốc sâu, ngâm chất hóa học, những sự dung tục, lệch lạc trong các cuốn sách tranh, cổ tích đang làm ngộ độc tâm hồn và suy nghĩ của trẻ”