Mái ấm mà bạn đang đi về mỗi ngày vốn là một thiên đường tuyệt vời.

Khi tôi bắt đầu đi làm, cũng là lúc tôi bắt đầu có những xung đột với gia đình. Từ những chuyện rất nhỏ. Đặc biệt là với mẹ tôi.

Mẹ tôi vốn tính hay lo lắng. Như bất cứ một người mẹ nào trên thế giới này, mẹ vẫn cứ lo lắng cho tôi như thể cái hồi tôi còn đi học. Mỗi sáng dắt xe ra khỏi cửa, tôi sẽ luôn nghe những câu như: “Trưa nhớ mua cái này/cái kia ăn…”, “Mặc như vậy nắng nôi đen da…” ,” Đi làm nhớ chào hỏi người này/người kia…”, “Đừng làm cái này, cái nọ…”.

Khi đó, tôi có cảm giác mẹ đang quên, tôi không còn là một đứa trẻ, những việc đó, tôi có thể hiểu và giải quyết tốt bằng năng lực của mình. Ban đầu còn gật gù, tôi ừ hữ, rồi bắt đầu bực bội và cáu gắt. Có những lúc, tôi còn cảm thấy áp lực, khi mẹ cứ luôn dặn dò và càm ràm về những thứ hết sức cơ bản như vậy. Dù rằng tôi biết là mẹ đang âu lo và luôn có thể hình dung ra đủ thứ chuyện khi con gái mình bước vào thế giới nhiều phức tạp ngoài kia.

Tôi bắt đầu la cà nhiều hơn hay tìm cách ở lại công ty lâu hơn giờ tan sở. Đôi khi là vì nhiều việc thật, đôi khi chỉ là vì… tôi không muốn về nhà. Chỉ để chẳng nghe những câu “dặn dò” về một thế giới đầy rẫy cạm bẫy và tôi không nên thế này/thế kia như mẹ tôi vẫn nghĩ. Tôi về trễ và “trốn chạy” những bữa ăn mà ngày xưa tôi luôn được lệnh phải có mặt đúng giờ và tham gia đầy đủ. Tôi tìm cách phá bỏ cả những giờ giới nghiêm, những “nguyên tắc ngầm” trong gia đình mà ba mẹ vẫn hay đưa ra như hồi tôi còn trong vòng tay bảo bọc. Tôi muốn mẹ biết tôi đã lớn. Không phải kiểu chứng minh như một đứa con gái mới vào tuổi dậy thì, mà là của một “công dân xã hội” đã hoàn toàn tự do độc lập về tài chính và cuộc đời mình.

Về nhà đi ở nơi đó có những người sinh ra ta đang mỉm cười.
Và những câu chuyện của mẹ và tôi ngày càng ít dần đi, cuối tuần tôi cũng tìm cách đi đâu đó, tôi dần trôi xa khỏi gia đình mình với niềm kiêu hãnh của một “công dân xã hội”. Nghe hùng hồn và to tát như vậy, nhưng cho đến khi tôi bắt đầu chẳng biết đi đâu sau giờ làm, áp lực của công việc bắt đầu đổ dồn mà bạn bè cũng đủ bận rộn để chẳng biết chia sẻ cùng ai. Cơm hàng quán dẫu đắt tiền và sang trọng vẫn trở thành thứ khó nuốt. Cà phê bắt đầu nhạt nhẽo. Phố lên đèn mà chẳng biết đến đâu để chơi.

Những giờ nghỉ trưa, tôi vẫn bất giác chạnh lòng khi thấy các chị lớn hơn khoe một bức tranh con gái mình vừa vẽ, hay hộp bông hồng đất sét con các chị làm tặng mẹ ngày phụ nữ. Chị sếp tôi bảo: “Sinh con gái là phải lo nhiều thứ nhất trần đời… Lo từ khi nhỏ xíu cho đến khi có chồng vẫn còn lo. Nhưng sinh con gái thì vui. Vì nó gần mẹ và hiểu mẹ”. Nghe câu đó, đột nhiên tôi cười buồn, rồi nhìn miết vào màn hình máy tính. Bởi tôi biết, mẹ cũng từng rất mong mỏi để có một đứa con gái yêu mẹ và hiểu mẹ như tôi. Mãi sau này ba nói tôi mới biết, khi đó mẹ cảm thấy vô cùng lạc lõng bởi tôi đã lớn, mẹ vẫn biết những lời dặn dò của mình là những điều có lẽ tôi đã biết, nhưng vẫn muốn nói ra. Bởi mẹ mong một phần nào đó, tôi vẫn có thể chia sẻ thế giới của mình của bà, như ngày còn đi học.

Lúc đó, tôi mới nhận ra, thay vì chọn đối diện với nỗi lo lắng của mẹ, tôi lại chọn cách trốn tránh chỉ để tìm thấy những phút thư giãn ngoài gia đình mình. Công dân dẫu điểm 10 ngoài kia, rốt cuộc về nhà, tôi vẫn chỉ là “đứa trẻ”dù học mãi những bài học yêu thương, nhưng lại chẳng bao giờ đủ kiên nhẫn để hiểu được hết.

Tôi suy nghĩ nhiều đêm. Cho đến khi quyết định về nhà sớm hơn một chút, ít la cà một chút, cuối tuần chở mẹ đi siêu thị sắm sửa trong nhà. Một đêm tháng giêng Sài Gòn trở trời, khó ngủ, lại rón rén và chui rúc nằm cạnh mẹ như hồi còn nhỏ. Buổi sáng lành lạnh, khi tôi mơ màng nghe mình thức dậy trong căn phòng của mẹ cha, nghe tiếng dép lạo xạo quen thuộc dưới bếp của mẹ và tiếng radio của ba. Tôi mơ màng nghe được cả tiếng mẹ tôi nói với ba nho nhỏ: "Chắc đêm qua nó lại không ngủ không được nên mới mò xuống đây nằm. Ông bật radio nhỏ thôi cho nó ngủ thêm miếng lát dậy đi làm... ".

Khi đó, tôi nhắm mắt, nhưng thật ra lại nghe tim mình đang khóc. Bởi tôi dù lớn lên bao nhiêu, vững chãi thêm bao nhiêu ở xã hội, thì với mẹ, tôi vẫn luôn là bé con bé bỏng cần một giấc ngủ an yên như hồi nhỏ. Ở tuổi nào, thì cũng vậy thôi.

Và rồi tôi nhận ra.

Có một nơi luôn sẵn sàng thứ tha cho mọi lỗi lầm mà bạn mắc phải, mòn mỏi trông chờ khi bạn đi xa hay về muộn, kiên nhẫn kiếm tìm khi bạn lạc lối, bình yên khi bạn cần một giấc ngủ ngon, và mọi cuộc cãi vã hay nước mắt sẽ luôn được dịu hóa bằng cảm thông và bỏ qua tất cả. Đó là thiên đường, không nằm ở đâu xa xôi trong những đám mây, mà là rất rất gần và luôn luôn bên bạn đấy thôi. Nếu một lần nào đó muốn đi thật xa khỏi gia đình mình, hay cố gắng thoát khỏi kiềm kẹp khó thở và “phi lý” của mẹ cha, xin hãy nhớ những phút giây nào đó vấp váp và sóng gió, nơi trở về bình an và dịu dàng nhất, vẫn là gia đình mình.

Như một lần thử “chạy trốn” thiên đường như tôi, chắc bạn sẽ biết, chẳng còn nơi nào trên đời này là thiên đường nữa. Bởi mái ấm mà bạn đang được hạnh phúc đi về mỗi ngày, dù bạn còn nhỏ dại hay lớn khôn, đã là một thiên đường đẹp đẽ nhất rồi.

“Về nhà đi, ở nơi đó có những người sinh ra ta đang mỉm cười…” – Nguyễn Phong Việt.
Theo 2!
Nguồn: http://ione.vnexpress.net/tin-tuc/is...ien-duong.html