Bị liệt hai chân nhưng không cam chịu sống cuộc đời thụ động, Phạm Thị Ngát cùng các tình nguyện viên tích cực giúp đỡ bệnh nhân phong và những người không may mắn có cuộc sống tốt hơn.

Sinh năm 1988 tại Thái Bình, Ngát lớn lên bình thường như bao đứa trẻ. Sau hai lần ngã gãy xương năm 8 tuổi và 12 tuổi, Ngát mất hoàn toàn khả năng đi lại. Học hết cấp 2, em đành nghỉ vì từ nhà tới trường cấp 3 quá xa. Thương bố mẹ làm ruộng vất vả nuôi 3 anh chị em, Ngát theo học khóa tin học văn phòng và mở quán in nhỏ để tự lập từ sớm.

Đôi chân bại liệt khiến Ngát trở nên khép mình, ít giao tiếp với bên ngoài. Công việc cũng không thuận lợi, quán in ở làng quê ít khách nên có thời gian Ngát sống trong những suy nghĩ tiêu cực. Cuối năm 2008, một nhóm bạn trong câu lạc bộ Vòng tay Thân ái Thái Bình đến thăm Ngát. Dần dần những buổi gặp gỡ, nói chuyện đã đem lại niềm vui cho cô.



Mong muốn lớn nhất của Ngát là làm thay đổi định kiến của mọi người về bệnh nhân phong. Ảnh: Giang Phương.

Được gặp gỡ nhiều người, quen bạn mới và ra ngoài thường xuyên khiến Ngát bắt đầu hào hứng với công việc tình nguyện. Từ một người được giúp đỡ, Ngát trở thành tình nguyện viên, rồi chủ nhiệm câu lạc bộ vào giữa năm 2009. Ngát cùng các bạn đã tổ chức nhiều chương trình từ thiện ủng hộ đồng bào bão lụt miền Trung, hiến máu nhân đạo. Nhóm của Ngát còn dạy học cho các em nhỏ trong Hội người mù tỉnh Thái Bình; chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện phong và da liễu Văn Môn (Vũ Thư, Thái Bình), một trong những trung tâm điều trị bệnh phong lớn nhất nước.

Để điều hành câu lạc bộ, Ngát chỉ có thể gọi điện thay vì tới tận nơi. Thành viên hầu hết là sinh viên, nhiều bạn còn ham chơi nên Ngát trở thành người truyền và giữ lửa đam mê cho các bạn. Mỗi khi thực hiện dự án, thiếu kinh phí, không còn cách nào xoay sở, cô phải vay mẹ.

Lần tổ chức đón Tết cho các cụ ở Bệnh viện Phong và Da liễu Văn Môn, Ngát cùng các tình nguyện viên đã chuẩn bị xong nguyên liệu làm 400 chiếc bánh chưng. Tuy nhiên trước ngày thực hiện chương trình một hôm, bệnh viện mới thông báo không có củi, xoong nồi để luộc bánh. Ở xa bệnh viện 20 km, lại không thể di chuyển, cô chỉ có thể loay hoay trong phòng gọi điện đi khắp nơi tìm cách xử lý.

Hàng tháng, Ngát và các bạn thường tới Bệnh viện phong và da liễu Văn Môn để dọn dẹp, thăm hỏi, tặng quà. Với Ngát, Văn Môn như ngôi nhà thứ hai, không "về" sẽ rất nhớ. Ở đó các cụ coi cô như cháu gái nhỏ, lần nào về cũng rôm rả chuyện trò, có bánh kẹo hay thứ gì ngon đều đem ra cho. "Đến giờ, mình vẫn nhớ hình ảnh người già tàn tật phải sống trong tự ti, buồn tủi, đôi mắt lúc nào cũng đau đáu ngóng trông. Chứng kiến các cụ không có tiền ăn sáng, bữa trưa và tối cơm canh đạm bạc, mình thấy xót xa", Ngát chia sẻ.

Qua thời gian dài tiếp xúc, được nghe tâm sự chất đầy nỗi buồn và sự cô đơn, Ngát càng thương các cụ nhiều hơn và mong ước đem đến cho họ một cuộc sống đủ đầy. Với những đóng góp và nỗ lực vươn lên, cô gái nhỏ bé này nhiều lần nhận được khen thưởng của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh TP Thái Bình, Hội Liên hiệp thanh niên TP Thái Bình và mới đây là một trong 55 thanh niên tiêu biểu của tỉnh. Trong đêm tôn vinh thiện nguyện Chim Én 2012, cô đã được trao giải Cá nhân triển vọng.



Ngát và các tình nguyện viên trong một chuyến thiện nguyện. Ảnh: Giang Phương.

Ngát chia sẻ, những khi mệt mỏi, muốn dừng công việc thiện nguyện, nhưng tình yêu thương của các cụ già, em nhỏ và tình nguyện viên trẻ níu bước cô. Công việc tình nguyện khiến cô trưởng thành hơn và cũng là cách lan tỏa yêu thương để xã hội trở nên tốt đẹp. Đến giờ, mong ước lớn nhất của cô gái khuyết tật ấy là làm thay đổi định kiến của mọi người đối với bệnh nhân phong và mang đến cho các cụ cuộc sống đủ đầy về cả vật chất lẫn tinh thần.

Trong mắt các tình nguyện viên, Ngát như người chị cả thường xuyên tâm sự và cho các bạn sinh viên lời khuyên. Cô Én nhỏ giàu cảm xúc, ham đọc sách văn học và thích viết này hiện là cộng tác viên cho một công ty ở Thái Bình.

Bác sĩ Bùi Huy Thiện, Giám đốc Bệnh viện Phong và Da Liễu Văn Môn, cho biết Ngát và các tình nguyện viên của câu lạc bộ thường xuyên có hoạt động chăm sóc người già ở bệnh viện trong vài năm trở lại đây. "Tuy đôi chân bại liệt nhưng cô gái này vẫn tham gia văn nghệ, dọn vệ sinh. Đó là sự động viên về tinh thần rất lớn đối với các cụ", bác sĩ Thiện nói.