NHỮNG NGÓNG TRÔNG Ở ĐỜI

Lúc nhỏ, mình ngóng mẹ đi chợ về với niềm sốt sắng đến lạ. Mỗi lúc mẹ đi, dù đang chơi trò gì vui lắm, thế nhưng chốc chốc hai chị em lại phân công nhau chạy ra ngõ, ngóng xem cái dáng hình thân thương ấy đã về chưa.

Mẹ mua mớ thức ăn xong, chẳng quên dành mấy đồng bạc lẻ mua chiếc bánh tráng, dăm cái kẹo hay bịch chè quê, xong xuôi tất tả đi về, vì biết có những đôi mắt đang chờ mẹ lắm lắm.

Cũng chẳng hạnh phúc nào bằng khi lần sau ra đứng ở ngõ, thấy dáng mẹ liêu xiêu từ đằng kia, hai chị em cùng reo lên: “A! Mẹ về, mẹ về rồi, mẹ về rồi!” Hai đứa chạy ra níu vạt áo mẹ, rồi nhìn vào giỏ và bắt đầu thỏ thẻ “mẹ có mua gì không”. Mẹ xoa đầu hai đứa, lôi từ trong giỏ ra, này kẹo của hai đứa, này chè này. Ba mẹ con dung dăng dung dẻ về nhà, niềm hạnh phúc chùng chình đi theo vào cửa.

Lớn một chút, mình hay ngóng đến Tết vì chẳng ngày nào vui bằng ngày Tết. Trẻ con được nghỉ học, người lớn nghỉ làm. Áo quần mới xúng xính, phong bao lì xì đầy ắp, lại không phải nghe la mắng, chẳng nghe ai phàn nàn, toàn những lời chúc tụng, vui vẻ hân hoan. Để rồi những ngày Tết trôi qua mau lại tiếc hùi hụi và cất công giở lịch chờ một mùa Tết mới.

Lớn hơn nữa, mình lại ngóng cho qua những mùa thi, qua những hôm phải chong đèn thức khuya dậy sớm. Bài vở chất chồng, hổn hển mà học cho không phụ lòng ba mẹ, thầy cô. Để mùa thi nào qua, thân thể cũng gầy rạc, mắt mũi bơ phờ đến tội.

Càng lớn, càng ngóng sự nỗ lực sẽ được đền đáp, ngóng những cố gắng và khả năng của mình sẽ được người ta thừa nhận. Ngóng nhiều hơn đến những thành quả trong công việc, ngóng được tự do tự tại mà có thể an tâm cho cuộc sống của mình.

Một vài lúc lãng mạn, mình ngóng hoàng hôn xuống, ngóng bình minh lên để được đắm mình trong màu mặt trời chập choạng nhá nhem ấy, rồi thả rơi mớ cảm xúc hỗn độn lang thang đâu đó ngoài kia. Lẩn thẩn, bỗng dưng lại ngóng những ai đi xa nhớ trở về, ngóng cho những yêu thương đừng bao giờ lạc lối để người mất nhau phải hoang hoải, dở dang cả một đời.


Rồi có ngày, mình sẽ ngóng người thương. Mỗi lúc người ta lỗi hẹn, lại giận dỗi và lo lắng. Những ai may mắn sẽ gặp được người không để ta phải ngóng lâu, bởi chẳng có gì đáng sợ bằng sự ngóng mà không rõ ràng như thế. Sợ nhất là người bắt ta phải ngóng cả đời bằng một vài câu thề hẹn mông lung nào đó.

Nhận ra, càng ngày càng ngóng trong một tâm trạng không mấy tốt đẹp, nếu ngày xưa mình ngóng tất thảy bằng niềm hân hoan thơ dại thì bây giờ, mỗi lúc lại ngóng điều gì đó đều bằng nỗi phập phồng, lo sợ, bất an.

Suy cho cùng, ai cũng ngóng và mỗi người một nỗi niềm trông ngóng khác nhau trong những thời điểm khác nhau.

Ví như, nội ngóng bác về những ngày người tha hương để hàn huyên cho bõ bao năm xa cách bởi thời cuộc.

Ngoại hằng ngóng cậu khi cậu đang ở chiến trường, sau rồi thót tim giật mình mỗi lần nghe tiếng súng ở đâu đó ngoài kia.

Mẹ hay ngóng mỗi lúc trời chuyển mùa, để lại sục sạo tìm áo khoác cho mấy bố con. Ba ngóng mấy chị em về nhà sớm, mỗi lúc đứa nào đó phải đi học thêm buổi tối. Dì ngóng trời mưa cho cây lúa đừng khát, đất đừng nứt nẻ để cây mọc thêm đau. Cậu ngóng ngày mùa những hạt gạo chắc tay, cầm lên nặng trịch như cầm cả tấm lòng thơm thảo của bà con quê mình. Chị ngóng chồng khi anh đi làm ăn xa cả năm về đôi lần, mà lúc nào về vợ chồng con cái chỉ được sum vầy dăm ba bữa.

Người càng lớn những ngóng trông càng nhiều và càng không phải cho mình. Đôi khi nhẹ nhõm, lắm lúc thở dài khi sự ngóng trông có hay không theo chiều hướng mình mong đợi.

Như mình, đã lắm lúc thở dài vì những mong ngóng chẳng đi tới đâu, thế nên bây giờ, mong ngóng lớn nhất là sức khỏe ba mẹ luôn luôn tốt, em út mau lớn, ngoan ngoãn thành người, ngóng sao cả nhà ai cũng an yên.

Sau cùng, vẫn đang ngóng trông rằng những điều phía trước sẽ tốt đẹp hơn những gì ở lại đằng sau.

Diệu Ái - Theo hgth.vn