(Chinhphu.vn) – Từ 2 giờ 30 chiều nay, 24/6, Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến “Đổi mới công tác điều trị nghiện ma túy” nhằm cung cấp cho độc giả cái nhìn tương đối toàn diện về công tác cai nghiện ma túy.

Truyền hình trực tuyến


Ảnh VGP/Toàn Thắng

Ngày 26/6 hằng năm được Liên Hợp Quốc chọn là Ngày Thế giới phòng, chống lạm dụng và buôn bán ma túy bất hợp pháp. Ở Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 93/2001/QĐ-TTg lấy ngày 26/6 hằng năm là “Ngày toàn dân phòng, chống ma túy”, tháng 6 là “Tháng hành động phòng, chống ma túy” nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân về công tác phòng, chống ma túy và tác hại của ma túy trong đời sống xã hội, tạo môi trường lành mạnh, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự trong đời sống nhân dân.
Tại cuộc tọa đàm hôm nay, các vị khách mời trong buổi tọa đàm sẽ cùng trao đổi về tình trạng cai nghiện ma túy ở Việt Nam hiện nay cũng như các vấn đề thực tiễn đặt ra trong việc đánh giá hiệu quả của việc thay đổi mô hình cai nghiện từ bắt buộc tập trung chuyển sang tự nguyện tại cộng đồng; hoạt động của 10 cơ sở cai nghiện do tư nhân thành lập và quản lý; phương thức cai nghiện bằng Methadone đang được triển khai thí điểm tại một số địa phương… Bên cạnh đó là việc đổi mới các thủ tục để người nghiện ma túy tiếp cận tốt hơn các trung tâm cai nghiện; nâng cao chất lượng quản lý hoạt động của các trung tâm cai nghiện.

Tham gia cuộc tọa đàm có các vị khách mời:

- Ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

- Ông Đàm Hữu Đắc, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam, thành viên Tổ chuyên gia.

- Bà Zhuldyz Akisheva, Giám đốc quốc gia Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam.

- Ông Fabio Mesquita, Tiến sỹ, bác sỹ, Chuyên gia Tổ chức Y tế Thế giới

- Chị Huỳnh Như Thanh Huyền, Trưởng nhóm Tự lực phía Nam.

BTV: Thưa ông Nguyễn Trọng Đàm, cách đây hơn 1 năm thì Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ký ban hành Quyết định số 396/QĐ-LĐTBXH thành lập Ban nghiên cứu, xây dựng Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy. Ông có thể nói rõ lí do vì sao chúng ta lại phải xây dựng Đề án này không, thưa ông?



Ông Nguyễn Trọng Đàm - Ảnh VGP/Toàn Thắng

Ông Nguyễn Trọng Đàm: Như chúng ta biết vấn đề cai nghiện ở Việt Nam đã được triển khai đến nay là hơn 20 năm. Trong 20 năm qua, chủ yếu chúng ta đưa người nghiện vào trung tâm mà gọi tắt là trung tâm 06 để cai nghiện. Qua quá trình dài như vậy chúng ta thấy, hiệu quả hỗ trợ cai nghiện và hòa nhập cộng đồng còn hạn chế. Gần đây, với sự giúp đỡ của các tổ chức như LHQ, chuyên gia từ các tổ chức quốc tế, cũng như nghiên cứu của chúng ta, Chính phủ quyết định phải đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện.
Thực tiễn cho thấy, cai nghiện mà chúng ta hiểu từ trước tới giờ là cách ly khỏi môi trường thuốc, cai nghiện cắt cơn, tách họ ra thời gian dài nhất định như 12, 24 tháng, với hy vọng khi trở về cộng đồng họ có thể cai nghiện. Nhưng điều đó đến bây giờ, các bằng chứng khoa học cho thấy, chúng ta nhận thức chưa đúng. Bây giờ chúng ta đã đủ căn cứ, cơ sở để hiểu nghiện ma túy là bệnh mãn tính của não bộ, để chữa trị phải mất nhiều năm, công phu. Đấy là bệnh mãn tính nên điều trị phải thường xuyên, gần như người nghiện phải sống chung với phác đồ điều trị nào đó.

Thực tế 4 năm gần đây khi được hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, kinh nghiệm của các nước đã chứng minh với người nghiện heroine nếu dùng thuốc thay thế như methadone, hiệu quả sẽ cao hơn. Do vậy, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ trong đề án tới là sẽ đi theo hướng giảm dần việc điều trị bắt buộc trong các trung tâm, tăng dần điều trị tự nguyện tại cộng đồng, ưu tiên mở rộng điều trị nghiện các thuốc dạng thuốc phiện bằng methadone, cùng với đó, kết hợp các hỗ trợ khác như tâm lý, tư vấn cho họ về các lĩnh vực khác trong quá trình cai như chăm sóc sức khỏe, đề phòng bệnh kèm theo vấn đề nghiện cũng như tư vấn hỗ trợ kỹ năng sống, hỗ trợ nghề nghiệp… mà phải làm ở cộng đồng. Với việc thay đổi nhận thức, chúng ta coi họ là người bệnh, cung cấp dịch vụ chữa bệnh ở cộng đồng với mạng lưới tổ chức làm sao tiện lợi, phục vụ đa dạng người bệnh và để cho họ có thể hòa nhập cộng đồng tốt hơn.

Còn về các trung tâm, chúng ta cũng có lộ trình giảm dần số lượng, các trung tâm này sẽ chuyển từ cai nghiện bắt buộc sang tự nguyện và cung cấp dịch vụ xã hội, nâng cao chất lượng hỗ trợ cai nghiện. Các trung tâm phải đổi mới, ngoài quản lý hỗ trợ còn có hoạt động khác giống như các trung tâm cộng đồng để làm sao có một bộ phận vẫn phải cai nghiện trong trung tâm theo luật quy định, nhưng phần lớn cai nghiện tại cộng đồng.

BTV: Xác định nghiện ma túy là một bệnh. Đây có thể là điểm mới mấu chốt. Để thấy lệ thuộc và ma túy cần được chữa trị hơn là trừng phạt. Để thấy rằng người nghiện ma túy không nên được xem là những tội phạm và để thấy cộng đồng có thể đóng góp một phần quan trọng trong việc giảm phân biệt đối xử với người nghiện ma túy. Nhưng hình như hiện nay khái niệm này chưa được nhiều người ủng hộ. Thưa ông Đắc, Ông có thể nói thêm vấn đề này được không?



Ông Đàm Hữu Đắc - Ảnh VGP/Toàn Thắng

Ông Đàm Hữu Đắc: Nhà nước và xã hội quan tâm đến công tác cai nghiện ma túy mà nguyên nhân cơ bản là do nhận thức chưa đúng về người nghiện. Một thời gian dài cộng đồng và xã hội coi họ là đối tượng tệ nạn, thậm chí là tội phạm, thể hiện rõ là ở chỗ các trung tâm cai nghiện bắt buộc có chế độ hoạt động như là trại tạm giam, gia đình, cộng đồng kỳ thị đối với người nghiện. Nhiều gia đình không muốn cộng đồng biết, thậm chí che giấu, gửi con em bị nghiện ma túy đến địa bàn khác để giữ gìn uy tín, danh dự cho gia đình… Vì vậy, đã đến lúc thay đổi căn bản nhận thức, cần coi đây như là một căn bệnh mãn tính, và gia đình có trách nhiệm chính trong vấn đề này, thường xuyên giáo dục con em mình, giám sát chặt chẽ để con em không sa vào vấn đề này.
Từ việc thay đổi nhận thức sẽ dẫn đến thay đổi về hình thức cai nghiện. Nhà nước cần quan tâm đầu tư những trung tâm cai nghiện để đưa vào cai nghiện các đối tượng có tiền án, tiền sự, gây rối trật tự xã hội... Đồng thời, cần khuyến khích các mô hình cai nghiện tại cộng đồng, khuyến khích các tổ chức đầu tư trung tâm cai nghiện tại địa phương; có chính sách hỗ trợ, tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ y tế, chuyên về cai nghiện ma túy; khuyến khích sản xuất các loại thuốc cai nghiện. Bên cạnh đó là đổi mới hoạt động các trung tâm cai nghiện tại cộng đồng, đáp ứng được nhu cầu cai nghiện tại chỗ.

BTV: Tại Việt Nam, tháng 6 này là Tháng hành động phòng chống ma túy. Ngày 26/6 là Ngày toàn dân phòng chống ma túy và cũng là ngày Liên Hợp quốc chọn là Ngày thế giới phòng, chống lạm dụng và buôn bán ma túy bất hợp pháp. Xin bà cho biết về thông điệp năm nay của Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp quốc (UNODC)?

Bà Zhuldyz Akisheva: Vào ngày 26 tháng 6 hàng năm, thế giới sẽ kỷ niệm ngày thế giới phòng chống lạm dụng và buôn bán ma túy bất hợp pháp, cũng là ngày nhắc nhở chúng ta về nhu cầu cần phải giải quyết các vấn đề do các chất ma túy gây ra.

Như các bạn biết, theo báo cáo tình hình sử dụng ma túy toàn cầu mà chúng tôi công bố vào ngày 26/6, hiện nay trên thế giới 315 triệu người nghiện ma túy. Và một nguy cơ đáng lo ngại là ngoài các loại ma túy truyền thống có rất nhiều loại ma túy mới, xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường.

Chiến dịch nâng cao nhận thức toàn cầu của UNODC năm nay với tên gọi “Hãy bay bằng sức mình, không phải bằng ma túy” có mục tiêu nâng cao nhận thức cho cộng đồng, nhất là các bạn trẻ về những tác hại của ma túy, đặc biệt là tác hại của các chất hướng thần mới (NPS).



Bà Zhuldyz Akisheva - Ảnh VGP/Toàn Thắng

BTV: Thưa bà, UNODC có mặt tại Việt Nam tính đến nay đã hơn 20 năm, ngần ấy thời gian đồng hành cùng Việt Nam trong nỗ lực giải quyết các vấn đề có liên quan đến ma túy. Theo bà tiêu chí cơ bản để nhằm giải quyết vấn đề lạm dụng ma túy - một vấn đề phức tạp này là gì?
Bà Zhuldyz Akisheva: UNODC đã sát cánh cùng chính phủ Việt Nam trong hơn 20 năm qua. Chúng tôi hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc xóa bỏ cây thuốc phiện và chống buôn lậu ma túy. Chúng tôi hỗ trợ nâng cao năng lực cho các cơ quan tư pháp hình sự nhằm đảm bảo tốt hơn quyền của mỗi người dân Việt Nam, nhất là những người yếu thế và dễ bị tổn thương nhất.

Hiện nay, chúng tôi đã có chương trình phối hợp cùng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các Bộ ngành khác nhằm giải quyết tình trạng lạm dụng ma túy.

Xử lý vấn đề lạm dụng ma túy, chúng tôi coi đây là một vấn đề y tế công cộng chứ không phải là một vấn đề đòi hỏi phải giải quyết bằng cách tiếp cận tư pháp hình sự. Cách tiếp cận của chúng tôi từ việc ra chính sách đến triển khai chính sách. Chúng tôi coi việc lệ thuộc ma túy là một vấn đề rối loạn sức khỏe.

BTV: Tôi xin hỏi chị Huyền, việc xác định nghiện ma túy là một bệnh mãn tính tái diễn cần phải được điều trị sẽ như thế nào cho người mắc căn bệnh ?

Chị Huỳnh Như Thanh Huyền: Với quan điểm là người đã từng 10 năm sử dụng ma túy, và đang làm công tác hỗ trợ người nghiện ma túy, hỗ trợ các bạn sau khi cai nghiện tại các Trung tâm 06 về hòa nhập với cộng đồng, tôi cho rằng sau khi được điều trị cắt cơn tại các Trung tâm 06, chúng tôi mong đợi mọi người nhận thức nghiện ma túy chỉ là một căn bệnh. Quan niệm như vậy sẽ giúp xã hội giảm kỳ thị với người nghiện. Khi đó người nghiện không còn là tệ nạn, tội phạm, giúp họ tự tin hơn, nhận được nhiều sự hỗ trợ hơn từ xã hội và cộng đồng.

Tôi cám ơn, đặc biệt là Bộ LĐTBXH đã có những đề án về vấn đề này. Ví dụ trong Nghị định 94 khuyến khích cai nghiện tại cộng đồng thay vì cai nghiện tập trung tại các Trung tâm 06.

BTV: Chị có thể chia sẻ những kinh nghiệm làm việc, tiếp xúc với những người nghiện ma túy trong cộng đồng, để các vị khách tham dự cuộc Tọa đàm ngày hôm nay có thể biết rõ hơn nữa những vấn đề thực tiễn, nhằm đóng góp cho công tác đổi mới điều trị căn bệnh này?



Chị Huỳnh Như Thanh Huyền - Ảnh VGP/Toàn Thắng

Chị Huỳnh Như Thanh Huyền: Kinh nghiệm chúng tôi làm việc thành công, cũng như kinh nghiệm bỏ được ma túy của tôi nói ra rất đơn giản nhưng làm không dễ. Bởi vấn đề không chỉ là điều trị cắt cơn và giữ lại lâu dài ở nơi nào đó, mà vấn đề ở chỗ khi trở về phải tái hòa nhập với cộng đồng.
Trở về với cộng đồng rất dễ tái nghiện, bản thân tôi sau khi được cắt cơn, đây chỉ là quy trình rất nhỏ, cần nhiều yếu tố để bỏ được ma túy. Chúng tôi mong đợi sau khi người nghiện được điều trị cắt cơn phải được điều trị về tâm lý, nhận được sự quan tâm của cộng đồng và gia đình.

Trong các chương trình cai nghiện hiện nay của các Trung tâm 06 mới chỉ quan tâm đến điều trị cắt cơn, giữ học viên trong trung tâm, thiếu mất chương trình hỗ trợ, đào tạo kỹ năng cho gia đình hỗ trợ tâm lý, giúp người nghiện tái hòa nhập với xã hội.

Chúng tôi mong đợi có quy trình chuẩn cho người nghiện heroin, ma túy đá. Hỗ trợ gia đình tạo lòng tin, giá trị sống cho người nghiện ma túy tại cộng đồng vượt qua bệnh tật.

Ngoài ra, chúng tôi mong muốn hệ thống y tế nhà nước sẽ cộng tác chặt chẽ với các tổ chức xã hội cùng chung tay xử lý vấn đề này.

BTV: Chị có thể kể thêm về hoạt động của nhóm của chị?

Chị Huỳnh Như Thanh Huyền: Hiện nay, đối với hoạt động liên quan tới hỗ trợ cho người sử dụng ma túy, chúng tôi làm sao để tác động, cung cấp các vật dụng có thể phòng tránh các bệnh lây truyền như HIV, viêm gan B,C… bằng cách kết nối để cung cấp bơm kim tiêm, bao cao su, tờ rơi... Ngoài ra chúng tôi cũng có các chương trình giúp người sử dụng ma túy có kỹ năng, kiến thức để phòng tránh sốc thuốc, tử vong, giảm việc tăng liều ma túy. Song song đó, chúng tôi cũng có chương trình chăm sóc hỗ trợ những người sử dụng ma túy mà họ muốn cắt cơn tại gia đình. Chúng tôi chỉ chăm sóc về thể chất như xoa bóp, ăn uống trong thời gian cắt cơn, còn các vấn đề liên quan tới chuyên môn y tế thì phải có bác sĩ tại cộng đồng sẽ đảm nhiệm.

Ngoài ra, chúng tôi cũng vận động để gia đình và cộng đồng dân cư xung quanh để giảm kỳ thị với người sử dụng ma túy. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có một mảng hoạt động là hoạt động chính sách, cố gắng thu thập ý kiến, tiếng nói của người sử dụng ma túy để tác động chính sách do cơ quan chức năng ban hành hay sắp sửa ban hành mà chúng tôi có thông tin để làm sao tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người sử dụng ma túy có thể thừa hưởng những chính sách này và thực hiện nghĩa vụ của họ.

BTV: Thay đổi mô hình cai nghiện từ tập trung sang tự nguyện tại cộng đồng thì sẽ mang lại sự tích cực quan trọng nhưng nhiều người quan niệm rằng đã nghiện ma túy thì chờ đợi sự tự nguyện thì rất khó, ông có ý kiến gì về quan niệm này?



Ông Fabio Mesquita - Ảnh VGP/Toàn Thắng

Ông Fabio Mesquita: Chúng ta biết vấn đề lạm dụng ma túy là vấn đề toàn cầu và chị Huyền đã có những chia sẻ quý báu về vấn đề nghiện ma túy và những gì tổ chức chị đang làm để người nghiện ma túy có thể thoát khỏi mặc cảm, vượt qua những khó khăn, quay trở lại cộng đồng và có những cống hiến tốt hơn cho xã hội. Những tổ chức như vậy đang đóng góp phần rất lớn vào công cuộc điều trị nghiện ma túy của chúng ta.
Tôi vốn là một bác sỹ, và chúng tôi được dạy để làm thế nào đưa ra những phương pháp điều trị với người bệnh và đôi khi họ cho rằng chỉ những biện pháp họ đưa ra mới giúp người bệnh khỏi bệnh.

Tuy nhiên, lĩnh vực lạm dụng ma túy là lĩnh vực đặc biệt, chỉ có bác sỹ thì không làm được tất cả mọi việc và cần cam kết của cộng đồng, chính sách của nhà nước, những chia sẻ quốc tế, sự đóng góp những người trong mạng lưới bị ảnh hưởng bởi ma túy và nói chung, chúng ta cần phải phối hợp để tìm ra những giải pháp hiệu quả. Việt Nam hiện nay đang đi đúng hướng trong lĩnh vực này. 2 năm rưỡi trước đây khi Việt Nam bắt đầu quan tâm, đối mặt với vấn đề ma túy một cách thẳng thắn, các bạn đã có sự nỗ lực, vào cuộc của tất cả các ngành để hỗ trợ người nghiện ma túy có thể hồi phục và trở lại cộng đồng.

BTV: Thưa ông Nguyễn Trọng Đàm, quan điểm của ông thế nào về cai nghiện ma túy tại cộng đồng, tại gia đình?

Ông Nguyễn Trọng Đàm: Chúng ta thống nhất với nhau về quan điểm và nhận thức là nghiện ma túy là bệnh mãn tính, bệnh mang tính xã hội và chữa bệnh này bằng thuốc chỉ là thứ yếu, mà với sự tập trung của cả cộng đồng, gia đình và cả Nhà nước.

Tất cả mọi người cần coi họ là những người bệnh để gần gũi, hỗ trợ họ. Họ có thể trở thành người có ích nếu cộng đồng coi họ là thành viên. Quan trọng là để họ không tách ra khỏi cộng đồng.

Chính vì vậy mô hình chúng ta làm ở cộng đồng đạt được những điều này và người nghiện vẫn sống, sinh hoạt trong cộng đồng, nhận được sự trợ giúp về các dịch vụ xã hội một cách bình thường.

Việc đưa họ vào trung tâm đã tách rời họ khỏi cộng đồng trong một thời gian nên khi trở lại họ sẽ ngỡ ngàng.

Hơn nữa, cách nhìn của mọi người về họ như là đã đi cải tạo về, né tránh và có khoảng cách nên không sẵn sàng giúp đỡ họ. Do vậy so sánh với mô hình cai nghiện ở trung tâm, mô hình cai nghiện ở cộng đồng ưu việt hơn hẳn. Mô hình cộng đồng đã cho thấy hiệu quả tốt ở Việt Nam và nhiều nước.

BTV: Tại Việt Nam hiện có trên 10 mô hình cai nghiện do tư nhân thành lập và quản lý, ông có thể cho biết những mô hình này có đủ điều kiện để thực hiện cai nghiện với những tiêu chí mà ông vừa nói không?

Ông Nguyễn Trọng Đàm: Chính xác là chúng ta có 17 cơ sở cai nghiện như vậy. Tuy nhiên, những mô hình này cũng giống với các trung tâm 06, chưa đạt được những tiêu chí trên, thậm chí không bằng các mô hình của nhà nước.

Các trung tâm của tư nhân chỉ làm được một vài công đoạn như cắt cơn, trị liệu còn tư vấn, trợ giúp các kỹ năng khác, biện pháp về tâm lý, trợ giúp xã hội khác thì họ chưa có điều kiện để thực hiện.

BTV: Quan điểm của ông như thế nào về mô hình cai nghiện tại gia đình và cộng đồng? Hiện nay trên toàn quốc đã có hơn 10 cơ sở cai nghiện do tư nhân thành lập và quản lí. Xin ông cho biết quan điểm của ông về mô hình cai nghiện tư nhân? Họ có những ưu và nhược điểm gì?

Ông Nguyễn Trọng Đàm: Chúng ta thống nhất nghiện là bệnh mãn tính, mang tính xã hội, chữa bệnh này thuốc chỉ là thứ yếu, cần sự quan tâm của gia đình, nhà nước, cộng đồng.

Mô hình cai nghiện tại cộng đồng đạt được điều ấy, vì người nghiện vẫn sống trong cộng đồng, nhận được các sự trợ giúp y tế, dịch vụ xã hội. Thực sự là trong quá trình chữa bệnh họ vẫn là người có ích, thay vì đưa họ vào các trung tâm, tách rời xã hội 1, 2 năm khi trở về bản thân họ bị ngỡ ngàng, xã hội coi họ như người vừa đi cải tạo về, họ bị né tránh, rõ ràng so sánh với mô hình trung tâm tập trung thì mô hình cộng đồng ưu việt hơn hẳn. Vì y tế và xã hội gắn bó với nhau, giúp đỡ nhiều mặt, tạo cơ hội cho người nghiện hòa nhập với cộng đồng. Mô hình này không chỉ được chứng minh ở nước ta còn được chứng minh ở nhiều nước trên thế giới.

BTV: Thưa bà Zhuldyz Akisheva, bà có thể nói về các mô hình cai nghiện tốt ở một số nước khác được không, và chúng tôi cũng muốn nghe kinh nghiệm và khuyến nghị của bà đối với Việt Nam.

Bà Zhuldyz Akisheva: Tôi tin rằng, thực ra không có một mô hình nào là duy nhất và mô hình nào là có thể áp dụng cho tất cả các trường hợp. Thực tế đã chỉ ra rằng, ở nhiều nước khác nhau với kinh nghiệm của mình thấy rằng có những mô hình thực sự không hiệu quả và cũng có mô hình thì hiệu quả. Về phía LHQ, chúng tôi hỗ trợ hệ thống điều trị nghiện dựa vào cộng đồng và các cơ sở xã hội sẵn có.

Các cơ sở xã hội đó kết nối một số dịch vụ khác nhau, không chỉ điều trị cắt cơn mà còn có tư vấn tâm lý xã hội, dạy nghề, tạo việc làm… Những mô hình như vậy cũng tương đối có hiệu quả, xin lấy ví dụ khác như Hồng Kông, ngay từ những năm 70, ở đây chủ yếu tập trung cung cấp methadone cho phần lớn những người lệ thuộc vào heroine, điều này đã giúp giảm tình hình tái sử dụng ma túy rất nhiều và cũng giảm tình hình tội phạm, cải thiện tình hình an ninh công cộng nói chung.

Gần đây, chúng ta có thể thấy một mô hình khác là Malaysia, đã chuyển hướng từ trung tâm cai nghiện bắt buộc sang mô hình vừa chữa trị kết hợp với chăm sóc.

Có thể các bạn cũng đã biết, gần đây có một cuộc họp tư vấn cấp quốc gia với sự tham gia của nhiều nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương được tổ chức tháng 10/2012, trong cuộc họp đặt ra một số giải pháp cụ thể phù hợp với khu vực của chúng ta.

BTV: Hiện nay việc đưa người mắc nghiện và trung tâm điều trị nghiện vướng phải thủ tục hành chính rườm rà, gây khó khăn, làm tăng thêm bước rào cản đối với việc điều trị cai nghiện ma túy. Trong đề án mới đây chúng ta có cách nào giảm thiểu thủ tục này không?

Ông Nguyễn Trọng Đàm: Một trong những giải pháp quan trọng là chúng ta thay đổi những quy định tư pháp để tạo điều kiện hỗ trợ cho người nghiện ma túy để được điều trị như người mắc bệnh bình thường. Vì vậy đề án cũng phải rà soát, đơn giản hóa thủ tục.

Mâu thuẫn hiện nay là chúng ta muốn họ đến các cơ sở cai nghiện nhưng thủ tục lại trở thành rào cản đẩy họ ra xa. Nếu chúng ta mở rộng hệ thống điều trị và người nghiện đến khám, điều trị dễ dàng như mọi thứ bệnh khác thì họ sẽ đến với chúng ta, chứ hiện tại là họ đang trốn chúng ta và chúng ta không nắm được chính xác là có bao nhiêu người nghiện mà chỉ nắm dược những người đã lập hồ sơ hoặc đã từng hỗ trợ họ cai nghiện còn một số người nghiện mới không tự nguyện khai báo vì họ thấy việc đưa họ đi cai nghiện không đáp ứng được yêu cầu của họ.

BTV: Thưa chị Huyền, theo số liệu của Bộ Công an, số người nghiện hiện là 170.000 người nhưng thực tế lớn hơn. Vậy làm thế nào để những người không có trong danh sách quản lý tự nguyện đến các cơ sở khám chữa bệnh để chúng ta có thể cập nhật danh sách cũng như tạo điều kiện chăm sóc họ tốt hơn?

Chị Huỳnh Như Thanh Huyền: Cộng đồng những người nghiện ma túy rất mong đợi Chính phủ không chỉ áp dụng một mô hình cai nghiện và cho dù triển khai mô hình nào hãy dựa trên tinh thần tự nguyện. Nếu đảm bảo được quyền riêng tư của họ và chứng minh để họ thấy có thể tham gia một cách tự nguyện thì họ sẽ đến đăng ký tham gia các chương trình cai nghiện.

Trung tâm chỉ là một mô hình, người nghiện có thể tham các mô hình cai nghiện khác như cai nghiện bằng Methadone, mô hình cai nghiện tại cộng đồng và các mô hình khác. Tôi tin rằng khi có nhiều mô hình như vậy họ sẽ lựa chọn mô hình phù hợp cho mình. Với kinh nghiệm của một người đã nghiện ma túy tôi thấy rằng, những người nghiện rất mong muốn từ bỏ ma túy nhưng rất sợ bị quản lý, phân biệt đối xử. Thậm chí cả khi có việc làm họ vẫn sợ cơ quan quản lý truy hỏi về khả năng tái sử dụng nghiện ma túy. Chúng tôi rất mong đợi nhiều mô hình, sự trợ giúp, động viên tinh thần từ cộng đồng và được như vậy họ sẽ tự nguyện đi cai nghiện.

BTV: Thưa ông Đàm Hữu Đắc, có ý kiến cho rằng một số trung tâm cai nghiện chủ yếu tập trung thực hiện cắt cơn giải độc và lao động, không thực hiện đầy đủ và đúng quy trình chuyên môn kỹ thuật theo hướng dẫn, ít chú ý đến các tư vấn và hỗ trợ tâm lý và chưa thực sự được trang bị các kiến thức và kỹ năng dự phòng tái nghiện. Vì thế nên tỉ lệ tái nghiện lại rất cao. Vậy làm thế nào gia tăng chất lượng hiệu quả của các trung tâm này?

Ông Đàm Hữu Đắc: Thực tế có tình hình như vậy, tôi cho rằng để nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các trung tâm này trước hết đội ngũ cán bộ chủ chốt phải thay đổi nhận thức. Tuy nhiên nói thì dễ nhưng thực hiện không đơn giản, cần có thời gian.

Muốn thay đổi, trước hết đội ngũ cán bộ chủ chốt ở các trung tâm phải thân thiện với người nghiện ma túy. Sau đó chúng ta tuyên truyền cho mọi người hiểu, chia sẻ, thay đổi quan điểm đối với người nghiện ma túy.

Có mấy nguyên nhân của vấn đề này như do kinh phí có hạn nên thiếu các hoạt động cần thiết, giáo dục thể chất eo hẹp; kinh phí thuốc cho 1 người cai nghiện không đáng bao nhiêu; còn kinh phí chi lương, hành chính rất ít,… nên hiệu quả hoạt động các trung tâm chưa cao. Chúng ta còn có nhiều vấn đề phải thay đổi.

BTV: Từ phía cơ quan quản lý nhà nước ông có ý kiến gì không?

Ông Nguyễn Trọng Đàm: Cùng quan điểm với ông Đàm Hữu Đắc, chúng tôi cho rằng phải đổi mới chất lượng hoạt động của các trung tâm.

Một mặt phải tăng cường các dịch vụ hỗ trợ, kết nối với các dịch vụ hỗ trợ. Thứ hai cần đào tạo lại đội ngũ cán bộ, đội ngũ cán bộ chưa thân thiện với người nghiện, coi mình là người quản lý chứ chưa phải là người giúp đỡ người nghiện, nên người nghiện chưa hợp tác. Hai bên hợp tác với nhau đạt được kết quả cuối cùng chưa có.

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ y tế cũng thiếu, cán bộ có năng lực tư vấn tâm lý, hỗ trợ nghề nghiệp, tìm việc làm, tiếp cận các dịch vụ xã hội còn thiếu.

Thân thiện nghĩa là người nghiện vào trung tâm sẽ được trợ giúp, người nghiện là khách hàng của trung tâm, cần tạo điều kiện cho họ tiếp cận được các dịch vụ tốt. Tôi cho rằng các trung tâm phải thay đổi cách thức hoạt động để nâng cao hiệu quả.

BTV: Có ý kiến cho rằng không phải cứ nghiện ma túy là tập trung tất cả vào 1 trung tâm, một lớp để điều trị. Chúng ta phải phân loại ngay từ đầu vào như: lý do nghiện, mức độ nghiện, loại ma túy gây nghiện, trình độ nhận thức của người nghiện, để từ đó có phác đồ điều trị phù hợp. Vậy xin anh Fabio chia sẻ kinh nghiệm của mình về vấn đề này?

Ông Fabio Mesquita: Phương pháp tốt nhất để điều trị nghiện phải dựa trên sự tự nguyện. Thực tế làm việc với người đã từng nghiện ma túy cho thấy hầu hết những người nghiện ma túy đều có tiền sử nghiện rất lâu.

Việc làm thế nào để bảo họ đi cai nghiện rất khó. Ví dụ, trong xã hội những người nghiện rượu, thuốc lá không dễ nói với họ rằng anh đang mắc nghiện đấy phải bỏ đi.

Tuy nhiên, tôi cho rằng với sự trợ giúp của gia đình, cộng đồng, nhà nước chúng ta có thể giúp được họ.

Chúng tôi xin nhắc lại rằng, thay vì trừng phạt họ, thì hãy tăng cường các hoạt động mang tính gắn kết xã hội để giúp người nghiện tự nguyện điều trị các vấn đề của mình.

Tôi biết rằng, nhiều nước đã có bài học về điều trị nghiện hiệu quả, tuy nhiên, điều rõ ràng là họ phải có sự lựa chọn, một phương pháp duy nhất không bao giờ giải quyết được mọi vấn đề.

Tất nhiên phương pháp của chúng tôi đưa ra phải dựa trên cơ sở khoa học, thực chứng, hiệu quả thực tế.

Có nhiều loại ma túy khác nhau, ví dụ nghiện heroin có thể dùng methadone nhưng đây cũng không phải là giải pháp hoàn hảo, giải quyết được 100% vấn đề. Vì người nghiện còn dùng nhiều loại ma túy khác.

Do vậy người nghiện cần được hỗ trợ từ cộng đồng, được hỗ trợ về tâm lý, tham gia các hoạt động xã hội, được dậy nghề, được tư vấn việc làm,… do vậy giải pháp methadone tốt, nhưng chỉ là một phần của nhóm giải pháp.

Bên cạnh đó, người nghiện cần được hỗ trợ qua các nhóm đồng đẳng, ví dụ như nhóm của chị Huyền là cực kỳ hiệu quả. Điều quan trọng là người nghiện được lựa chọn, không ai lựa chọn thay cho họ được.

BTV: Thưa ông, việc điều trị nghiện những dòng gốc thuốc phiện bằng methadone, đã được chứng minh là khá hiệu quả cả về chất lượng điều trị cũng như giảm thiểu gánh nặng kinh tế cho nhà nước, nhưng tới đây việc điều trị nghiện này có được nhân rộng ra toàn quốc không vì hiện nay các điểm uống còn khá ít.

Ông Nguyễn Trọng Đàm: Đến thời điểm này chúng ta có khoảng 60 điểm hỗ trợ điều trị nghiện bằng methadone. UBQG đã giao Bộ Y tế mở rộng mô hình này cùng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, chúng ta có Đề án mục tiêu đến năm 2015 phải có khoảng 70-80.000 người trong số 171.000 người có hồ sơ quản lý tiếp cận được với methadone. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thấy, rõ ràng methadone chỉ là một trong số các giải pháp, những người dùng được methadone chỉ là những người nghiện các chất dạng thuốc phiện, trong khi đó xu thế hiện nay là ma túy tổng hợp ngày càng tăng, nhiều nước ở khu vực lân cận cũng đi con đường giống như chúng ta như Thái Lan- bây giờ gặp vấn đề chủ yếu là ma túy tổng hợp.

Chúng ta cũng có thể đến một lúc nào đó ma túy tổng hợp lại chiếm tỷ trọng lớn hơn. Chúng ta phải xác định là không có mô hình nào duy nhất cả, không có phác đồ nào là đúng cho tất cả mọi người.

Để thích ứng với điều này chúng ta phải chuẩn bị cả cách thức hỗ trợ họ nhất là đối với những người dùng ma túy tổng hợp. Tôi đang có chỉ đạo xây dựng mô hình cai nghiện ở cộng đồng phải rất đa dạng và phong phú, có thể chúng ta đến một trung tâm vừa là trung tâm y tế, lại vừa là câu lạc bộ cho người nghiện sinh hoạt, lại có thể vừa là công viên để thư giãn, nghỉ ngơi, hồi phục sức khỏe. Chúng ta phải đi theo mô hình như vậy, xây dựng các mô hình như vậy thì may chăng mới có thể hỗ trợ người nghiện cả hiện tại cũng như mai sau.

BTV: Nhiều ý kiến cho rằng, khi chúng ta cho người nghiện uống methadone vô hình chung là thay thế từ ma túy nặng hơn xuống một thứ ma túy có liều thấp hơn. Ông nghĩ thế nào?

Ông Nguyễn Trọng Đàm: Trong y tế, người ta xếp Methadone cũng là 1 chất gây nghiện, tuy nhiên, cũng giống như các bệnh mãn tính khác, nếu có 1 thuốc nào đó để sử dụng giảm tác hại của bệnh tật, thì chúng ta nên coi đó là một thuốc chữa bệnh, không nên quá nặng nề hiểu rằng đưa 1 chất gây nghiện khác vào người. Bởi vì Methadone, người ta có thể phải dùng lâu dài, nhưng lại giúp người ta không lệ thuộc vào heroine nữa và sức khỏe được hồi phục, tinh thần thoải mái, cách nhận thức cũng như hành vi chuẩn mực như người bình thường và hòa nhập được với cộng đồng.

BTV: Qua cuộc thảo luận này, chúng ta đã thấy lạm dụng ma túy là một vấn đề rất phức tạp. Giải quyết vấn đề này không hề đơn giản. Đây không chỉ là câu chuyện về chính sách mà cần sự quan tâm của cả cộng đồng, vượt qua giới hạn của những định kiến thông thường, để giúp những người bị lệ thuộc vào ma túy có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Thay cho lời kết, tôi xin được cảm ơn chân thành đến các vị khách mời đã tham gia chương trình ngày hôm nay, những người đã thực sự không quản ngại vất vả, khó khăn để cống hiến ý tưởng, sáng tạo cũng như những việc làm thiết thực trong công cuộc phòng, chống ma túy.

Chúng tôi cũng rất mong Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy sớm được phê duyệt, để chúng ta có cơ sở vững chắc hoàn thành tốt công tác điều trị nghiện ma túy ở Việt Nam, để con em chúng ta lớn lên trong một xã hội không ma túy, không có bất kì hậu quả nào của ma túy. Xin cảm ơn sự theo dõi của quý vị và các bạn.

Cổng TTĐT Chính phủ
Link:
http://baodientu.chinhphu.vn/Home/To...136/171680.vgp