(TNO) Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từ trần vào hôm nay 4.10.2013, thọ 103 tuổi. Đại tướng qua đời vào cuối giờ chiều 4.10, tại bệnh viện nơi ông nằm điều trị lâu nay.

>> Truyền thông quốc tế ca ngợi huyền thoại Võ Nguyên Giáp
>> Đại tướng Võ Nguyên Giáp và chiến dịch Điện Biên
>> Võ Nguyên Giáp: Vị tướng tài chào đời mùa nước lũ



Thanh Niên Online xin giới thiệu bài viết Điện Biên Phủ và bản lĩnh Võ Nguyên Giáp đến bạn đọc.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Điện Biên Phủ và bản lĩnh Võ Nguyên Giáp

Trong cuộc đời cầm quân của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có rất nhiều quyết định quan trọng, đưa ông vào hàng “những người hiếm hoi làm chuyển dịch dòng chảy của lịch sử” (từ của Peter MacDonald, một vị tướng kiêm sử gia người Anh). Nhưng việc thay đổi phương châm tác chiến từ “Đánh nhanh giải quyết nhanh” chuyển sang “Đánh chắc tiến chắc” - một thay đổi đưa đến chiến thắng tuyệt đối trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 - được coi là quyết định to lớn và “khó khăn” nhất cuộc đời ông. Thanh Niên giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài của đại tá PGS-TS Nguyễn Mạnh Hà, Phó viện trưởng Viện Lịch sử quân sự VN, để thấy rõ hơn về bản lĩnh quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Tại sao lại là Điện Biên Phủ?
Điện Biên Phủ là trận đánh lớn nhất, nhưng vào mùa thu năm 1953, nó hoàn toàn không có trong kế hoạch tác chiến của Bộ Tổng tư lệnh của ta và cả trong Kế hoạch Navarre của Pháp.
Kế hoạch của quân viễn chinh Pháp
Do chiến sự diễn ra nhanh chóng, một đơn vị bộ đội ta hành quân lên Tây Bắc để tiến công giải phóng thị xã Lai Châu, vị trí còn lại cuối cùng của Pháp ở Tây Bắc, nhằm giải phóng hoàn toàn vùng này. Lo sợ quân ta sau khi làm chủ vùng Tây Bắc chiến lược rộng lớn, sẽ thừa thắng đánh sang Thượng Lào rồi đánh xuống Trung Lào, Hạ Lào, xuống đông bắc Campuchia, rồi quặt vào miền Trung Trung Bộ..., Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương là Nava vội vã cho 6 tiểu đoàn nhảy dù xuống khu vực lòng chảo Điện Biên Phủ trong các ngày 20-21.11.1953 nhằm lập một trung tâm chốt chặn đường tiến của bộ đội ta lên Lai Châu và sang Lào.
Về mặt địa lý chiến lược, Điện Biên Phủ - có cánh đồng Mường Thanh, là nơi có địa hình rộng lớn và bằng phẳng nhất ở Tây Bắc. Lòng chảo Điện Biên Phủ có chiều rộng từ 6-8 km, dài 15-17 km, được chính Tổng chỉ huy Navarre đánh giá là căn cứ lục quân, không quân tốt nhất ở miền bắc Đông Dương, rất thuận tiện cho việc xây dựng tập đoàn cứ điểm phòng thủ.
Không những thế, bộ chỉ huy Pháp còn tính toán rằng, ở Điện Biên Phủ, nơi cách Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa từ 300 đến 500 km đường chim bay, chỉ có đường quốc lộ số 6 từ Hà Nội đi qua Hòa Bình, Sơn La lên, thì việc đảm bảo vũ khí, đạn dược hậu cần, lương thực thuốc men... cho hàng vạn người chiến đấu trong một thời gian dài, là điều rất khó, nếu không nói là không thể thực hiện được. Sở dĩ như vậy là vì Bộ chỉ huy Pháp cho rằng quân ta chủ yếu vận chuyển bằng đôi vai và các phương tiện thô sơ như xe đạp thồ, ngựa thồ, thuyền mảng, nếu có đi theo đường số 6 thì sẽ bị máy bay của Pháp ném bom chặn đánh.
Hơn nữa, hình thức tập đoàn cứ điểm đã được phía Pháp áp dụng xây dựng trong đông xuân 1951-1952, tại thị xã Hòa Bình, trong chiến dịch Hòa Bình; tại Nà Sản (10.1952), trong chiến dịch Tây Bắc, nhưng bộ đội ta đều không đánh được, trái lại bị tổn thất nặng, thì với tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, được xây dựng kiên cố, quân đông (16.000), nhiều vị trí và trung tâm đề kháng (49 cứ điểm, 8 trung tâm đề kháng), lại có cầu hàng không tiếp tế liên tục với số lượng lớn..., từng được viên Tổng chỉ huy tiền nhiệm của Navarre là Salan đánh giá là “Nà Sản lũy thừa 10”, được Bộ chỉ huy Pháp coi là bất khả xâm phạm. Nếu bộ đội ta có liều lĩnh đánh vào thì tập đoàn cứ điểm trở thành “cái nhọt hút độc”, là “cái cối xay thịt” chủ lực Việt Minh. Chính vì thế, cả Pháp và Mỹ đều rất chủ quan, thậm chí còn cho thả truyền đơn “thách tướng Giáp tiến công” Điện Biên Phủ.
Điểm hẹn lịch sử
Về phía ta, nhận được tin quân Pháp nhảy dù chiếm và xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm, T.Ư Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng đây là cơ hội tốt để ta tiêu diệt địch, đánh bại ý chí tiếp tục chiến tranh của chúng. Vì thế, tuy chưa chuẩn bị cho một trận đánh lớn, mà đang tập trung huấn luyện, củng cố ở khu vực Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ..., nhưng rất nhanh chóng, phần lớn các đại đoàn chủ lực của ta được lệnh lên đường nhằm hướng Điện Biên Phủ.
Xuất phát từ quan điểm chiến tranh nhân dân, với khẩu hiệu “Tất cả cho Điện Biên Phủ”, hàng chục vạn dân công các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa đã được huy động làm đường, vận chuyển hàng cho chiến dịch. Cũng với niềm tin tưởng rằng trải qua 8 năm kháng chiến, bộ đội ta đã trưởng thành về mọi mặt: quân số, tổ chức, trang bị vũ khí, cách đánh..., có đủ khả năng đánh bại hình thức phòng ngự cao nhất của thực dân Pháp, giáng một đòn quyết định, sớm kết thúc chiến tranh.
Vì thế, một cách không tự giác, nhưng lại có tính logic trong tiến trình chiến tranh, đã đến lúc cả hai bên tham chiến đều nhận thấy cần có một trận đánh quyết định để kết thúc chiến tranh. Tuy rằng, trong kế hoạch, Navarre chủ trương đến mùa thu 1955 mới kéo quân ra miền Bắc giao đấu trận quyết định với chủ lực ta sau khi đã bình định xong Nam Bộ và “thanh toán” được vùng tự do Liên khu 5, nhưng trước bối cảnh của thế bị động chiến lược, phải đối phó với đòn tiến công của ta nhằm phá khối cơ động chiến lược - xương sống của Kế hoạch Navarre, viên Tổng chỉ huy Pháp đã có một quyết định táo bạo - nhưng lại là quyết định sai lầm lớn nhất trong cuộc đời nhà binh - cầm quân của ông ta.
Ngày 3.12.1953, Navarre quyết định chấp nhận giao chiến với ta ở Điện Biên Phủ. Chỉ 3 ngày sau, ngày 6.12.1953, Bộ Chính trị BCH T.Ư Đảng họp mở rộng, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thông qua kế hoạch tác chiến ở Điện Biên Phủ do Tổng Quân ủy trình bày.
Điện Biên Phủ trở thành điểm hẹn mang tính lịch sử một cách nhanh chóng trong vòng 2 tuần, nếu chỉ tính từ ngày 20.11.1953, khi những lính dù Pháp đầu tiên được ném xuống vùng lòng chảo thanh bình và trù phú này, nhưng thực chất đó là kết quả của cuộc chiến đấu lâu dài, gian khổ, ác liệt của quân và dân ta.

Chủ trương viện trợ cho Việt Nam chống Pháp, Đảng, Chính phủ Trung Quốc đã cử Bí thư Tỉnh ủy, Chính ủy trong Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc La Quý Ba sang Việt Nam làm đại diện liên lạc giữa hai T.Ư Đảng Cộng sản Trung Quốc và T.Ư Đảng Cộng sản Đông Dương (3.1950). Tháng 7.1950, Trung Quốc đã cử ông Trần Canh, lúc đó đang là Phó tư lệnh Quân khu Tây Nam kiêm Tư lệnh Quân khu Vân Nam, sang giúp cuộc kháng chiến của Việt Nam, chuẩn bị mở chiến dịch Biên giới thu đông 1950.
Đến giữa tháng 8.1950, các thành viên Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc lần lượt sang Việt Nam, do ông Vi Quốc Thanh, lúc đó đang là Chính ủy Binh đoàn số 10 kiêm Chủ nhiệm Ủy ban quân quản thành phố Phúc Châu, làm Trưởng đoàn kiêm Bí thư Đảng ủy; ông Mai Gia Sinh làm Phó đoàn phụ trách Tham mưu trưởng, Đặng Dật Phàm là Phó đoàn phụ trách Chủ nhiệm Chính trị.
PGS-TS Nguyễn Mạnh Hà
Truyền thông quốc tế ca ngợi huyền thoại Võ Nguyên Giáp
“Vị tướng huyền thoại”, “người đánh bại nước Pháp và nước Mỹ” là những cụm từ xuất hiện dày đặc trên báo chí quốc tế vào đêm nay, 4.10, khi đưa tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp lìa trần.
Hãng AFP đã lập tức ca ngợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là “một trong những nhà chiến lược quân sự vĩ đại nhất lịch sử” và là kiến trúc sư cho chiến thắng chống Pháp và chống Mỹ.
Hãng tin Pháp trích phát biểu trước đây của nhà báo Mỹ Stanley Karnow nhận xét “sự lỗi lạc của tướng Giáp trong vai một nhà chiến lược đặt ông vào ngôi đền của những lãnh đạo quân sự vĩ đại”, cùng với công tước Wellington, Ulysses S. Grant và tướng Douglas MacArthur.
Tương tự, hãng Reuters nói Đại tướng Võ Nguyên Giáp là “một trong những nhân vật nổi tiếng nhất thế kỷ 20 của Việt Nam, xếp ngang với những người khổng lồ quân sự như Montgomery, Rommel và MacArthur.
Với sự nhanh nhạy đáng kinh ngạc, tờ The Washington Post chạy hẳn một bài viết dài hơn 3.000 chữ để viết về cuộc đời của vị tướng huyền thoại, người được tờ báo Mỹ ca ngợi là “bậc thầy quân sự người Việt Nam”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trò chuyện với Chủ tịch Fidel Castro tại Cuba
trong một lần sang thăm đất nước này - Ảnh: Lê Quân chụp lại từ triển lãm ảnh

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trò chuyện với Giáo sư, Anh hùng Lao động, nhà văn hóa Vũ Khiêu tại nhà riêng - Ảnh: Lê Quân chụp lại từ triển lãm ảnh
“Cùng với lãnh tụ Cộng sản Việt Nam Hồ Chí Minh, người từ trần năm 1969, và cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người từ trần năm 2000, Đại tướng Giáp được tôn kính như là một trong những nhà lập quốc ở quê hương ông. Với các học giả quân sự trên toàn thế giới, ông là một trong những nhà thực hành chiến tranh du kích cách mạng hiện đại hàng đầu”, tờ The Washington Post viết.
Hãng AP mô tả “tướng Giáp là một anh hùng dân tộc, người mà di sản chỉ xếp thứ hai sau người thầy của ông, Chủ tịch lập quốc Hồ Chí Minh, người dẫn dắt đất nước giành độc lập”.
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain đã nhanh chóng chia buồn và loan báo thông tin về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
“Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã qua đời - nhà chiến lược quân sự lỗi lạc từng nói với tôi rằng chúng ta là những “kẻ thù danh dự””, ông McCain, cựu binh Mỹ từng tham gia chiến tranh Việt Nam và bị bắt làm tù binh, viết trên Twitter.
Công Chính

>> Những hình ảnh cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp

>> Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua ảnh
>> Điện Biên Phủ và bản lĩnh Võ Nguyên Giáp
>> “Tôi đang dịch sách về Võ Nguyên Giáp”
>> “Ba chữ Võ Nguyên Giáp đã hút hồn tôi”
>> 21 ngày với Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Phải làm cho nước ta vừa anh hùng, vừa giàu mạnh”
>> Báo Anh ca ngợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp