Page 2 of 2 FirstFirst 12
Results 11 to 17 of 17

Thread: Tự truyện của người về từ địa ngục ma túy - Kỳ 1: Dính vào ma quỷ. Nguồn: Báo Tuổi trẻ

  1. #11

    Tự truyện của người về từ địa ngục ma túy - Kỳ 11: Cú 'độp' tự sát

    Lúc nào tôi cũng sống trong đọa đày tâm hồn lẫn thể xác. Tận cùng của sự vô vọng, một hôm tôi tìm về nhà chị mình nương tựa, tìm kiếm tình cảm yêu thương và tìm lại phần người sau những lúc ngập chìm với ma túy.


    Vòng luẩn quẩn nghiện - cai nghiện - tái nghiện... - Ảnh: M.Đ.

    Chiếc ghe bầu lớn chở 59 thằng "ma ken" chạy trên sông Soài Rạp đến trưa thì tới Nông trường Đỗ Hòa, Cần Giờ. Ngồi dưới hầm ghe nhìn lên, tôi thấy rất đông người đang đứng trên bờ, chỉ trỏ vào bọn tôi.

    Vòng luẩn quẩn bỏ trốn - bị bắt

    Ai đó ra lệnh:

    - Tất cả đứng dậy theo cầu thang lên tàu, đi hàng 1 vào hội trường.

    Đám nghiện tụi tôi răm rắp rời tàu. Vào đến hội trường, 59 thằng được xếp ngồi theo chiều ngang, thằng nào cũng gục đầu né tránh bị nhận diện. Sau đó, bộ phận hồ sơ đến kiểm danh, kiểm diện từng thằng, nào là đi viện, đi phép bỏ trốn, nào là trốn trong lúc lao động.

    Nhìn lại chỉ còn tôi không có hồ sơ để kiểm, ban giám đốc hỏi bộ phận trách nhiệm:

    - Xem kỹ lại nó có phải học viên mình không? Hồ sơ học viên đúng không?

    - Thưa anh, không có hồ sơ thằng này. Không hiểu sao bộ phận thu gom lại đưa lên.

    Đến lúc này, họ đã rõ tôi không phải học viên của Đỗ Hòa. Một nhân viên trong chiến dịch thu gom cất tiếng:

    - Thằng này ở Phú Văn được hồi gia về chơi ma túy lại, bị thu gom vì nó rất giống thằng Được ở đội 2. Ở phòng tạm giữ, thằng này đã đứng chặn cửa cho cả 42 đứa trốn thoát.

    Ban giám đốc nghe xong, chỉ đạo chuyển tất cả 59 "ma ken" về đội quản giáo cắt cơn bằng phương pháp "cai khô" (gồng chịu) và chịu kỷ luật do bỏ trốn.

    Kể từ tháng 10-1982, tôi trở thành học viên Đỗ Hòa, lại cắt cơn, lại cai nghiện. Tôi bị mức kỷ luật một tháng rưỡi, còn tụi nó chỉ một tháng. Sau đó, tôi được chuyển về đội 1 của anh Thành Điếc đội trưởng.

    Nông trường Đỗ Hòa nằm ngay bờ sông Soài Rạp, cạnh bên đội hình Tổng đội 2 TNXP (Thanh niên xung phong) trú đóng địa phận xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ. Bên trong, các đội nằm gần kề nhau, không như ở Phú Văn trải dài và cách xa nhau. Lao động ở Đỗ Hòa chỉ có đào ao, đắp đường đê, đắp nền, lên liếp trồng dừa mà không có việc khác làm ở đây.

    Tôi hòa nhập tập thể, nhưng trong đầu luôn ấm ức vì bị nhận diện lầm lẫn, nên để ý tìm cách trốn. A1 của chúng tôi trong buổi họp tối qua được đội phân công sang đơn vị bạn (Tổng đội 2 TNXP) kết hợp lên liếp trồng dừa. Sáng nay, A trưởng dẫn 10 người trong A đi. Khi đến đơn vị TNXP, chúng tôi ngồi ở bờ đê chờ A trưởng vào liên hệ công tác. Ngay lúc đó, bọn tôi nhìn nhau ra hiệu và cùng lúc sáu, bảy thằng bỏ chạy mỗi đứa mỗi ngả. Sau lưng, tiếng la rất lớn của A phó:

    - Đứng lại, đứng lại, trốn trường.

    Không biết bọn nó chạy ra sao, còn tôi một mình chạy thẳng ra bờ sông, nhảy xuống cặp lấy một bẹ dừa nước đang nổi lềnh bềnh làm phao bơi qua sông. Bảo vệ từ nông trường truy đuổi, đứng ở bờ sông kêu tôi bơi trở lại vì lo tôi đuối nước.

    Tôi vẫn mím môi bơi thẳng. Lên được bờ bên kia, tôi chỉ còn cái quần đùi đang mặc mà mình trần trùi trụi chạy đi ngay. Chui vào mấy chòi lá của người dân canh ruộng, tôi lấy trộm được cái áo cũ nhuộm phèn vàng khè mặc lên người.

    Lát sau, ở cái chòi khác, tôi lại trộm được cái quần dài, rồi hỏi đường về trung tâm thành phố. Mới hồi sáng còn ở Đỗ Hòa, buổi trưa tôi đã có mặt ở bến đò Thủ Thiêm để lại lò mò vào động chích của bà Quang sau mấy tháng bị "tó" đi nông trường.

    Những ngày nghiện ngập, thân tàn ma dại trôi dạt bụi đời ở các vỉa hè, công viên, góc chợ lại tái diễn... Đêm đêm, đám "ma ken" kéo nhau đi làm chuyện phạm pháp, gây khổ đau cho người khác. Một hố lầy không chân nhấn chìm kẻ nghiện ngập.

    Trong vòng xoáy khắc nghiệt này, tôi không làm sao vượt ra khỏi dù đôi lúc cũng nghĩ đến tháng ngày cai nghiện và lao động vui khỏe trước đây. Thời gian này, chính quyền quyết liệt bài trừ ma túy, thu gom người nghiện.
    Sau những lần tránh thoát, tôi lại bị thu gom lần nữa khi vừa qua Thủ Thiêm chích choác. Tôi bị nhập vào đám lố nhố 20 "ma ken" bị bắt trước, sau đó tất cả được đưa về Trường giáo dục Lao động công nông nghiệp thanh niên mới để quản lý cai nghiện bắt buộc.

    Bọn "ken" cũ không phải vào chung phòng với các học viên lần đầu mà gom chung lại ở phòng K (phòng kỷ luật bị giới hạn mọi mặt) và ưu tiên đi trường khi có điều động.

    Do đó, khoảng vài tháng là bọn tôi lại trở lên Phú Văn lao động, rồi lại tìm cách bỏ trốn về thành phố và lao vào cuộc sống nghiện ngập, trôi dạt không bến bờ. Từ khu Hàm Nghi, Thủ Thiêm đến các tụ điểm cầu chữ Y, cầu Ba Cẳng, cầu Nhị Thiên Đường, Xóm Chỉ, khu Cây Da Sà và bất cứ nơi nào có buôn bán, chích choác ma túy.

    Lúc nào tôi cũng sống trong đọa đày tâm hồn lẫn thể xác. Tận cùng của sự vô vọng này, một hôm tôi tìm về nhà chị mình nương tựa, tìm kiếm tình cảm yêu thương và tìm lại phần người sau những lúc ngập chìm với ma túy.


    Ông Xuân (thứ 2 từ trái qua) vẫn nhớ thời thanh niên xung phong vui vẻ và khát vọng - Ảnh: GIA TIẾN

    Tự sát mà không thể chết

    Một ngày kia tôi quyết định chấm dứt việc nghiện ngập để không hổ thẹn xấu xa với chính mình, với gia đình. Tôi mua chai thuốc xirô ho nấu chung với cục thuốc phiện hai gam rưỡi cho cô đặc lại rồi rút thành mũi thuốc 5 "xê" (50ml). Sợ để lại phiền toái cho gia đình chị, tôi ghi vào mảnh giấy là tôi chọn tự chích xì ke để được chết đi.

    Với liều lượng "hàng đen" gấp mấy lần bình thường này chích vào người, tôi nghĩ chắc chắn mình sẽ chết. Sau khi để mảnh giấy dưới gối đầu, tôi bắt ven rồi chích hết mũi thuốc vào người. Đến giờ, tôi vẫn còn nhớ rõ cảm giác người căng ra hết mức, mắt như lọt ra ngoài, trong người nóng rực lên từng cơn rất nhanh như bị đốt cháy. Rồi tôi không còn biết được gì, không biết ngã ra trên giường hay dưới đất!

    ...Tôi mở mắt ra từ từ, đầu đau buốt, nặng trĩu như bị cục đá đè lên. Vài phút, mắt tôi bớt mờ và nhìn thấy trên cao chai nước biển đang chuyền cho mình. Tôi với tay lấy cái bảng bệnh án ở đầu giường lên xem: bị sốc ma túy, vào viện cách đây 3 ngày.

    Bàng hoàng tôi nhận ra mình chưa chết như ý muốn và đang nằm trong bệnh viện. Tôi liền tháo bỏ dây đang cột cổ tay vào giường, rồi rút bỏ kim chuyền nước biển, lần mò ra khỏi phòng bỏ trốn.

    Lảo đảo nhảy lên xích lô, tôi chỉ đường đến thẳng động chích và tiếp tục cuộc sống nghiện ngập. Nó cứ như thế xoay vòng lặp đi lặp lại, cho đến lúc này tôi không còn nhớ được đã là lần thứ bao nhiêu ra vào trường cai nghiện, lên xuống lần thứ mấy ở Nông trại Phú Văn nữa.

    Sau đó, cơ hội sống đến với tôi vào năm 1985. Sau một lần nữa lại bị "tó" và cai nghiện, tôi gia nhập TNXP, mưu tìm cuộc sống mới cách xa con đường nghiện ngập. Đơn vị trú đóng ở Đắk Nông, chúng tôi có nhiệm vụ khai hoang, xây dựng cơ bản khu dân cư, trồng cao su, cà phê, cây sả chiết lấy tinh dầu, trồng các loại cây giống ngắn ngày...

    Để hoàn thành công việc, người đội viên TNXP phải trưởng thành, xác định được mục đích cuộc sống, tìm ra lý tưởng và ước mơ định hướng tương lai.

    Theo thời gian lao động trôi qua đã tạo cho tôi thay đổi suy nghĩ, có những ước mơ tốt đẹp mà không còn vương vấn gì đến ma túy để có được cuộc sống bình thường như mọi người. Đó là điều tôi mong ước nhưng không bao giờ làm được trong tháng ngày nghiện ngập. Rồi thời hạn xuất ngũ đã đến, tôi về lại gia đình và xã hội sau gần 5 năm tham gia TNXP.

    Lần trở về này, tôi đã có chuyển biến trong suy nghĩ, không tìm đến những tụ điểm buôn bán ma túy, ổ động chích choác và tránh gặp gỡ đám dân "ken".

    Một thời gian, tôi đã theo người quen đi làm rẫy ở quê nhằm tìm môi trường cách ly ma túy... Nhưng trời ơi, cuộc chiến đấu của phần người trong tôi cũng chỉ được ít tháng năm. "Cô ba phù dung" lại một lần nữa vươn vòi bạch tuộc cuốn lấy tôi.

    Một lần từ rẫy về thành phố, tôi đã tự thưởng cho mình một mũi "độp" ma túy trong động chích...

    Bị bắt lần thứ... B40

    Bao nỗ lực lao động, bao gìn giữ bản thân lại sụp đổ. Tôi lại một lần nữa ngập chìm trong địa ngục ma túy. Và không bao lâu sau, tôi lại bị thu gom cai nghiện. Khi bộ phận tiếp nhận lập hồ sơ hỏi tôi B mấy (bị bắt lần thứ bao nhiêu), tôi trả lời là B40 cho gọn, bởi tôi cũng không nhớ được chính xác lần mấy vì quá chán nản, mệt mỏi với chính bản thân mình.

    Lên Nông trường Tân Hiệp cai nghiện, tôi đã lọt vào "mắt xanh" một cô gái và được cấp đất xây dựng tổ ấm. Tưởng đời đã sang trang, ai dè…

    Kỳ tới: Tôi đã “đốt” tổ ấm của mình
    Tôi có một tham vọng, một tham vọng nhưng không bao giờ vô vọng. Tôi mơ ước một ngày nào đó một người nào đó nghiện heroin hay nhiễm HIV, hoặc một gia đình nào có người thân như vậy thì điều đầu tiên họ nghĩ điến sẽ là heroin-aids.com chứ không phải bất cứ trường cai hay trung tâm tư vấn nào khác

    Bằng mọi giá, bằng tất cả, bằng tình yêu thương chúng ta hãy đoàn kết đứng lên bảo vệ và dành tiếng nói cho người nghiện hoàn lương. Kịch liệt phản đối thái độ phân biệt đối xử. THANH NIÊN HEROIN-AIDS.COM hãy làm sao cho cộng đồng có một cái nhìn đúng và thiện cảm hơn đối với những con người có quá khứ một thời lầm lỡ

  2. #12

    Tự truyện của người về từ địa ngục ma túy - Kỳ 12: Tôi đã 'đốt' tổ ấm của mình

    Một đêm mùa hè năm 1991, tôi và mấy thằng bạn 'ma ken' như mọi ngày chích choác xong cữ chiều, kéo về ngủ vỉa hè Cách Mạng Tháng Tám gần rạp Nam Quang. Nửa đêm tôi bị đánh thức, nhìn thấy công an, dân phòng đứng trước mặt.


    Lao động là cách để quên đi cảm giác thèm ma túy - Ảnh: TỰ TRUNG

    Đám "ma ken" đành ngồi bó gối im lặng. Một chiếc xe buýt chạy đến, dồn tất cả lên xe về điểm tập trung rất đông dân nghiện.

    Vun vén tổ ấm mới

    Hơn giờ đồng hồ sau, xuất hiện một đoàn xe đò đến và tất cả lại được dồn lên từng chiếc chạy hướng ra ngoài thành phố trong đêm. Trời rạng sáng, tôi nhìn qua ô cửa xe thấy những lô cao su ngút ngàn nối tiếp nhau.
    Nơi tôi và đám "ma ken" được chuyển đến là khu định cư của Nông trường Tân Hiệp thuộc Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM ở xã Đồng Nơ, huyện Bình Long, Sông Bé (Bình Phước bây giờ).

    Chúng tôi được phân nam độc thân về đội nam, nữ độc thân về đội nữ. Những gia đình sống lang thang vỉa hè được đưa về đây thì vào khu hộ gia đình chờ ngày được cấp nhà đất để định cư sản xuất, ổn định cuộc sống.
    Tôi và ba thằng bạn "ma ken" vào đội nam, thành phần lang thang không nhà cửa là hầu hết, còn nghiện xì ke chỉ có mấy thằng tôi. Do đó bọn tôi phải cố gắng chịu đựng cơn vã ma túy, cai gồng (không dùng thuốc điều trị) để che giấu thân phận nghiện ngập xì ke.

    Thời gian chờ định cư, mọi người ở trong đội hình của khu quản lý, ra vào cổng phải có nhân viên phụ trách đi cùng. Hằng ngày chúng tôi phát quang làm cỏ, trồng rau xanh...

    Trong quá trình lao động, nam nữ quen biết nhau, có nguyện vọng lập gia đình (ra hộ gia đình) thì làm đơn trình lên lãnh đạo nông trường xét duyệt.

    Hồi còn ở thanh niên xung phong, tôi được học chuyên môn kế hoạch sản xuất nông nghiệp, có căn bản trong việc khai hoang trồng mới, thiết kế lô trồng, quản lý và chăm sóc vườn cây. Tại khu định cư Tân Hiệp này chủ yếu trồng cao su và cây điều diện tích khoảng vài trăm mẫu đất.

    Nông trường không đủ người đảm trách những việc này, phải dò tìm trong tập thể người chờ định cư có khả năng phù hợp.

    Tôi và một người khác trong đội nam được chọn sau những bước kiểm tra chuyên môn. Hai thằng được nhận về Ban kế hoạch nông trường, mỗi ngày được phép xuất cổng đi làm, hết giờ về lại đội ăn ngủ.

    Tôi được giao công việc khảo sát, phân loại rừng, đo đạc diện tích, tham mưu phương án thực hiện, kiểm tra kết quả và chất lượng của các đội đã làm được mỗi ngày.

    Lúc này tôi ở đây đã hơn một năm, tham gia hầu hết công việc sản xuất của nông trường, khẳng định được năng lực chuyên môn.

    Ban kế hoạch đề xuất lên lãnh đạo nông trường duyệt xét cho tôi được là nhân viên của ban và đã được chấp thuận. Từ đây, tôi được ký hợp đồng lao động, lãnh lương hằng tháng.

    Để các đội viên yên tâm cuộc sống, nông trường có chế độ định cư: phải là hộ gia đình gồm có cha mẹ và các con sẽ được nhận một căn nhà, một mẫu (ha) đất thổ cư và giống cây trồng (cây điều, cây khoai mì).

    Lương thực được cấp phát 12 tháng đầu định cư cùng dụng cụ sản xuất như cuốc, rựa, liềm, cưa và các loại đồ đạc phục vụ đời sống.

    Bản thân tôi lúc này đã mệt mỏi, chán ngán tháng ngày nghiện ngập lang thang bụi đời và mong muốn thay đổi cuộc đời.

    Thời gian ở đội nam, tôi quen một cô không chồng nhưng có một con gái 8 tuổi, dần dần chúng tôi có tình cảm mến thương với nhau. Cả hai đồng ý kết hợp xây dựng tổ ấm rồi đăng ký lên nông trường ghép thành hộ gia đình.

    Hoạch định tổ ấm của chúng tôi đã được chấp thuận, chờ ngày nhận nhà, cấp đất để cùng nhau xây dựng cuộc sống gia đình...

    Rồi ngày nhận nhà đã đến với mọi người trong sự hồ hởi, vui vẻ. Hộ của tôi cũng như các hộ khác được nhận một căn nhà cấp 4 xây gạch, lợp tôn ximăng bé xinh nằm giữa một mẫu đất thổ cư được cấp.

    Tôi háo hức bắt tay hoàn thiện tổ ấm của mình và làm thêm mái tranh sau nhà để tăng diện tích sử dụng. Tôi cũng cẩn thận cắm ranh đất với nhà kế bên để dễ dàng trong việc xử lý đất sản xuất.

    Thời gian làm việc ở Ban kế hoạch nông trường, tôi đã quen biết các đội xe máy ủi, xe máy cày bừa. Họ đã ủng hộ công đoạn ủi dọn đất và cày bừa cho tôi, nhờ thế tôi làm đơn mượn thêm đất để tăng diện tích sản xuất lên thành hai mẫu nối liền nhau sau nhà.

    Bước vào giai đoạn thiết kế lô trồng, tôi chọn trồng cây cao su và đã có vườn cây cao su 900 gốc cùng 1ha trồng cây mì giống của Nhật xen canh.

    Chung quanh nhà, tôi còn trồng cây ăn trái và cây ngắn ngày. Lúc này tôi càng thêm phấn khởi khi nông trường thành lập đội vườn ươm cây giống, tôi đã được chọn vào ban chỉ huy đội làm đội phó phụ trách kỹ thuật.


    Ông Xuân (bìa phải) dẫn đội đi lao động - Ảnh tư liệu

    Rồi tự tay phá nát

    Do công việc, tôi phải đi lại các nơi của khu định cư nông trường, từ đó nhiều người biết đến tôi. Mối quan hệ gần gũi vì cùng hoàn cảnh với nhau khi đến đây rồi cùng gầy dựng cuộc sống nơi xa lạ.

    Khu định cư có vài "ma ken" biết tôi cũng là dân ken trước đây, nên gặp tôi trên đường hay chuyện trò thăm hỏi. Lo sợ chuyện cũ lại đến, tôi né tránh, không dám gần gũi...

    Một ngày tôi đi kiểm tra vườn cây của các hộ định cư ở K3. Đến hộ của thằng bạn, sau khi làm xong việc chúng tôi ngồi chuyện trò với nhau thì có hai thằng bước vào nhà. Cùng Năm Đạm (chủ nhà), họ to nhỏ với nhau rồi một thằng lên tiếng:

    - Không sao đâu, nó cũng là phe ta nhưng không biết còn chơi không? Tụi mày cứ niêu nấu như mọi khi, đến cữ thì "độp".

    Nghe qua, tôi biết ba thằng nó cùng nhau chích xì ke. Tôi cố gắng giữ mình, liền đứng dậy để ra về. Thấy thế, Năm Đạm giữ tôi lại, rồi nói:

    - Mày làm gì ghê vậy, có xa lạ gì nhau. Lâu rồi mới gặp, đừng để bạn bè mất vui.

    Tôi lọt vào tình thế ra về không xong, còn ở lại thì sợ không giữ được mình. Giữa nơi rừng rú cách xa phố thị này, dân "ken" có "hàng" mà chích choác là cả vấn đề. Đã thế, họ còn mời gọi sử dụng là chuyện hiếm hoi.

    Trong người tôi sống lại cảm giác của ma túy khi nhìn bọn nó nấu "hàng đen" rồi rút vào ống chích. Sau những lời trách móc, khích bác của thằng bạn "ken", tôi đã nhắm mắt nhập vào cuộc chơi tệ hại đó. Tôi một lần nữa lại rớt xuống địa ngục, chích lại ma túy sau gần hai năm từ bỏ.

    Sau lần gặp gỡ và mũi "độp" lại đó, tôi và ba thằng nó gặp nhau thường xuyên hơn. Lúc này lộ ra thêm mấy tên dân ken khác ở K2. Giữa nơi xây dựng lại đời mình mai sau, tôi và bọn nó bất chấp tất cả để thỏa mãn ma túy.
    Ngập chìm lại trong ma túy, tôi sa sút mọi mặt, không còn đảm đương tốt công việc của đội vườn ươm, bê trễ nhiệm vụ ở ban kế hoạch. Còn việc nhà, tôi cũng không chăm lo vườn cây cao su, rẫy mì...

    Cuối cùng, không còn cách giải quyết khả dĩ nào hơn, tôi phải làm đơn xin nghỉ việc. Chuyện tái nghiện ma túy của tôi nông trường đã nắm rõ, do đó chấp thuận cho tôi nghỉ ngay.

    Chuyện tổ ấm, tôi cũng không còn trụ cột được nữa. Sau một thời gian cầm cự và níu kéo không tốt hơn được, tôi và cô ấy đã phải chia tay.

    Trong dằn vặt, hối hận mà không thoát ra được nghiện ngập, tôi một mình trở lại con đường sáng vã chiều phê, để mẹ con cô ấy tìm được tương lai tốt đẹp hơn. Điều mà thằng nghiện như tôi không bao giờ làm được cho mẹ con cô ta.

    Năm 1993 tôi một mình rời bỏ khu định cư Tân Hiệp, bỏ lại ước mơ tốt đẹp sau lưng để quay về bến nghiện địa ngục!

    Đừng "chiều" lời rủ rê của bạn

    "Cũng như nhiều kẻ nghiện khác, tự tay tôi đã phá nát tổ ấm đầu tiên của mình. Nếu được lời khuyên, tôi muốn nói hãy tránh thật xa ma túy, đừng bao giờ thử, đừng bao giờ "chiều" lời mời mọc, rủ rê của bạn bè dù chỉ một lần", ông Xuân tâm sự.

    Ông nói những người mới hút hít ma túy lần đầu cứ nghĩ mình sẽ không có lần thứ hai và mình sẽ không bị nghiện. Nhưng thực tế không phải vậy. Người sử dụng ma túy lần thứ nhất rất dễ dính lần thứ hai, thứ ba và dần dần dìm sâu đời mình xuống địa ngục...
    Q.VIỆT

    Một lần về thắp nhang cho mẹ, tôi đã bàng hoàng nghe những lời trăng trối đau thương của ba. Chẳng lẽ tôi cứ mãi là đứa con bất hiếu, bất nhân?

    Kỳ tới: Những lời trăng trối đau thương của ba

    Tôi có một tham vọng, một tham vọng nhưng không bao giờ vô vọng. Tôi mơ ước một ngày nào đó một người nào đó nghiện heroin hay nhiễm HIV, hoặc một gia đình nào có người thân như vậy thì điều đầu tiên họ nghĩ điến sẽ là heroin-aids.com chứ không phải bất cứ trường cai hay trung tâm tư vấn nào khác

    Bằng mọi giá, bằng tất cả, bằng tình yêu thương chúng ta hãy đoàn kết đứng lên bảo vệ và dành tiếng nói cho người nghiện hoàn lương. Kịch liệt phản đối thái độ phân biệt đối xử. THANH NIÊN HEROIN-AIDS.COM hãy làm sao cho cộng đồng có một cái nhìn đúng và thiện cảm hơn đối với những con người có quá khứ một thời lầm lỡ

  3. #13

    Tự truyện của người về từ địa ngục ma túy - Kỳ 13: Những lời trăng trối đau thương của cha

    Chỉ có cha là khác. Ông cũng không nói lời nào, nhưng tôi nhận biết ánh nhìn của cha đầy ắp sự yêu thương cùng hờn giận và thất vọng!



    Sau khi dứt hẳn ma túy, ông Xuân không còn gần bạn nghiện - Ảnh: GIA TIẾN

    Năm 1996, ngày giỗ mẹ, tôi mò về đốt nhang cho mẹ, vượt qua sự thờ ơ của mọi người trong nhà đối với mình vì không ai còn hi vọng tôi từ bỏ được ma túy.

    Cha chỉ muốn con trở lại người bình thường

    Đốt nén nhang cho mẹ xong, tôi không dám ở trong nhà với sự lạnh nhạt của anh chị em dành cho mình. Ra vách hông nhà, tôi ngồi buồn rầu suy nghĩ. Bỗng có người vỗ nhẹ vào vai, tôi mở mắt ra nhìn thấy cha đứng trước mặt. Ông cất lời:

    - Con ngồi lên tỉnh táo, cha có chuyện nói với con. Cha không mong mỏi hi vọng gì nữa ở con. Cha chỉ muốn khi con được sinh ra bình thường như mọi người, không nghiện ngập gì cả, thì khi cha mất đi con sẽ là con người như vậy để cha không bận lòng về con mà thanh thản ra đi với mẹ con.

    Tôi tỉnh hẳn người, tâm trạng xót xa, đau đớn tận cùng. Lúc này cha tôi đã hơn 70 tuổi, nhưng sức khỏe yếu kém trước tuổi vì nỗi khổ nhục do tôi gây ra. Sau ngày đó, hình ảnh cha và những lời dạy bảo như trăng trối cứ hiện lên trong đầu tôi.

    Tôi không thể nào quên được hình ảnh cha mẹ suốt đời nuôi dưỡng đàn con của mình. Vượt qua bao khổ cực, cha mẹ tôi tìm ấm no cho con cái. Khi còn nhỏ, tôi chưa thấu cảm hết sự hi sinh vô cùng của cha mẹ.

    Hình ảnh mẹ tảo tần thức khuya dậy sớm, dãi nắng dầm mưa chạy chợ mà không bao giờ cho đàn con ra phụ giúp vì chỉ sợ con bị bệnh, không vui chơi được.

    Mỗi ngày sau khi tan chợ, mẹ về lại nhà là anh em tụi tôi vui mừng khôn tả, túa ra đón mẹ từ đầu hẻm, tranh giành mang những túi đựng rau quả, thịt cá cho bữa cơm gia đình.

    Chắc chắn một điều không bao giờ mẹ quên túi quà mang về cho các con khi là bánh này bánh nọ, lúc là trái nọ trái kia và đủ phần từ đứa lớn đến đứa bé. Mẹ luôn ôm từng đứa vào lòng, hôn lên má đầy yêu thương. Trong nhà rộn rã tiếng cười.

    Cha tôi là người mẫu mực. Khi chúng tôi còn nhỏ, cha kèm cặp, dạy dỗ từng đứa con. Cha chỉ đường, dẫn lối cho chúng tôi dần hiểu biết nên người. Suốt cuộc đời cha chỉ có lo toan gia đình, không có lần nào thấy cha để phần gì đó cho riêng mình.

    Ngoài giờ làm, cha không đi đâu mà chỉ về nhà hết sửa chỗ này đến sửa chỗ khác, còn không thì tập họp các con lại để kiểm tra bài học từng đứa...

    Công lao trời biển của cha mẹ tôi không thể nào nhớ hết được. Mẹ đã mất rồi (trong việc đau lòng này có phần lỗi lớn do tôi). Còn cha thì già yếu. Bổn phận làm con tôi chưa phụng dưỡng được ngày nào mà còn mang lại tủi khổ, âu lo cho cha từng ngày khi tuổi đã gần đất xa trời.

    Càng nghĩ lại tuổi thơ trong vòng tay yêu thương của cha mẹ, càng nghĩ lại tội lỗi bất hiếu của mình, tôi càng dằn vặt, đau đớn. Nhiều đêm tôi không ngủ được mà nước mắt cứ chảy đầm ra mặt.

    Tôi thấy mẹ từ cõi nào đó trở về bên tôi với ánh mắt không hề trách giận mà đầy yêu thương, hi vọng. Tôi thấy hình ảnh, lời nói cha dạy bảo như trăng trối rằng chỉ muốn đứa con nghiện ngập trở lại được bình thường lúc cha về với mẹ.

    Rồi tôi nhớ lại tháng ngày sống vui khỏe, có lý tưởng và ước mơ, có lẽ sống vì mọi người trong thời gian là đội viên thanh niên xung phong. Càng dằn vặt đau đớn, càng suy nghĩ nhiều, tự dưng đầu óc tôi như được đánh thức, không còn u mê nữa.

    Tôi dần dần không còn hứng thú chích choác, cảm thấy sợ lại gần bạn nghiện và ghê sợ cả thể xác lẫn tâm hồn mình khi sáng vã chiều phê...


    Người nghiện ma túy thường có những lúc dằn vặt, đau đớn - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH

    Giã từ ma túy

    Một ngày tôi quyết định từ bỏ ma túy. Tôi tự xin đi cai nghiện để làm theo lời cha dạy bảo để còn kịp báo hiếu với đấng sinh thành.

    Suốt khoảng cuộc đời đã đi qua, tôi đã không làm được gì cho bản thân và cho gia đình mình, tôi phải từ bỏ nghiện ngập để được là đứa con cha mong muốn nhìn thấy trước lúc ông nhắm mắt xuôi tay.

    Ngày hôm đó, tôi đã tự tìm đến điểm thu gom con nghiện của thành phố và ngồi lặng lẽ chờ đợi. Khi xe tải và lực lượng chuyên trách đến, tôi trình bày ý nguyện được cai nghiện của mình và tự lên xe vào Trung tâm Giáo dục dạy nghề Bình Triệu để giã từ nghiện ngập.

    Do lần này có quyết tâm trong tư tưởng, tôi đã trải qua giai đoạn cai nghiện mau chóng và sớm trở về sinh hoạt học tập, lao động.

    Qua nhiều thử thách, tôi được chọn vào đội lao động bên ngoài trường và đi làm từ sáng đến cuối ngày cùng với những công nhân khác trong xã hội. Hoàn toàn không còn suy nghĩ bỏ trốn trong đầu tôi nữa.

    Rồi thời gian cai nghiện theo quyết định của UBND TP.HCM hết hạn. Không như những lần trước luôn nôn nóng được ra ngoài, lần này tôi không hồi gia mà xin ở lại trung tâm và hợp đồng công nhật làm việc sản xuất thủ công. Chế độ này dành cho những người hết thời hạn cai nghiện muốn được xa cách môi trường ma túy.

    Tôi từng bước trưởng thành trong công việc, tạo được niềm tin với ban giám đốc. Rồi tôi được nhận vào làm trong ban điều hành học viên của Trung tâm Bình Triệu để phụ giải quyết các mặt nội quy dành cho học viên cai nghiện.

    Đến thời điểm này, tôi đã ở trung tâm để cai nghiện, học tập và làm việc tất cả hơn bốn năm. Tôi được về phép cuối tuần thăm nhà, nhưng khi vào phải qua kiểm tra nước tiểu ngăn ngừa tái sử dụng ma túy.

    Cuối năm 2000, cha tôi trở bệnh ngày càng nặng. Ban giám đốc Trung tâm Bình Triệu hiểu sự tình, giải quyết cho tôi đi phép nhiều hơn để có điều kiện chăm sóc cha tôi những ngày cuối đời.

    Rồi ngày sinh ly tử biệt đó đã đến! Trong những giây phút cuối cùng giữa các con, cha nằm gối đầu trên đùi tôi. Tay cha run rẩy nắm lấy tay tôi, trên khuôn mặt cha hiện lên sự vừa lòng, thanh thản rồi cha ra đi về với mẹ. Tôi ngậm ngùi ôm lấy người của cha, rồi cất lên những lời:

    - Con đã làm được theo lời cha dạy bảo. Con đã lại trở thành đứa con lành lặn, bình thường như lúc được cha mẹ sinh ra. Cha hãy thanh thản ra đi về với mẹ, cha ơi!

    Cha tôi từ từ nhắm mắt với phảng phất nụ cười mãn nguyện. Tôi vừa thương xót cha vừa giận mình: phải chi tôi trở lại được là đứa con bình thường sớm hơn. Tình yêu thương và mong mỏi của cha mẹ dành cho tôi có gì lớn lao lắm đâu!

    Và từ hôm nay, tôi nhất định sẽ không làm gì cho hương hồn cha mẹ phải đau buồn nữa.

    Trải lòng để thêm kinh sợ ma túy

    Một ngày cuối năm 2019, tòa soạn báo Tuổi Trẻ tiếp người đàn ông đứng tuổi, gầy gò với gương mặt hằn sâu những nét khắc khổ, từng trải. Đó chính là tác giả Trần Kim Xuân.

    Ông đến gửi bài dự thi Khoảnh khắc thay đổi đời tôi lần thứ 2-2019 do báo Tuổi Trẻ tổ chức. Đọc bản thảo viết tay chuyện đời như có máu lửa, có địa ngục trần thế của người đàn ông này, tôi đã nổi da gà và sau đó cuộn trào nỗi xúc động.

    Tôi khuyên ông: "Anh hãy viết kỹ hơn, hãy viết như một tự truyện đời mình. Bao năm chìm sâu dưới địa ngục ma túy, trong đường hầm đen tối chỉ có phần con mà không có phần người, cuối cùng anh đã đứng dậy được.

    Anh hãy trải lòng tất cả sự thật, dù đó là những gì tệ hại, xấu xa nhất hay phút giây le lói thiện lương để làm bài học cho người khác. Xã hội hiện nay đang có bao người nghiện ngập và có nhiều người trẻ đang dấn vào đường hầm đen tối này. Mong rằng họ đọc chuyện đời anh để biết kinh sợ và tránh xa ma túy".

    Và khi bạn đọc xem đến phần thức tỉnh này, sẽ còn một kỳ báo nữa để thêm hiểu người đàn ông này đã trả nợ đời, trả nợ mẹ cha và xã hội như thế nào.

    QUỐC VIỆT

    Gây bao đau khổ cho mẹ cha, tội lỗi cho xã hội, tôi không muốn ngày mình ra đi mà chẳng làm được việc gì có ích...

    Kỳ tới: Trả nợ mẹ cha, trả nợ đời
    Tôi có một tham vọng, một tham vọng nhưng không bao giờ vô vọng. Tôi mơ ước một ngày nào đó một người nào đó nghiện heroin hay nhiễm HIV, hoặc một gia đình nào có người thân như vậy thì điều đầu tiên họ nghĩ điến sẽ là heroin-aids.com chứ không phải bất cứ trường cai hay trung tâm tư vấn nào khác

    Bằng mọi giá, bằng tất cả, bằng tình yêu thương chúng ta hãy đoàn kết đứng lên bảo vệ và dành tiếng nói cho người nghiện hoàn lương. Kịch liệt phản đối thái độ phân biệt đối xử. THANH NIÊN HEROIN-AIDS.COM hãy làm sao cho cộng đồng có một cái nhìn đúng và thiện cảm hơn đối với những con người có quá khứ một thời lầm lỡ

  4. #14

    Tự truyện của người về từ địa ngục ma túy - Kỳ cuối: Trả nợ mẹ cha, trả nợ đời

    Ngày mong chờ của tôi đã đến, năm 2001 tôi được ban giám đốc Trung tâm Bình Triệu tuyên bố trước tập thể: Trần Kim Xuân chính thức là người nhà - nhân viên thực thụ của đơn vị. Giã từ được ma túy, tôi đã có cơ hội trả nợ mẹ cha, trả nợ đời và



    Ông Xuân (trái) trong những ngày làm nhân viên ở Trung tâm Bình Triệu - Ảnh: NVCC

    Giã từ được ma túy, tôi đã có cơ hội trả nợ mẹ cha, trả nợ đời và trả nợ xã hội...

    Giúp những phận đời còn nghiện ngập

    Từ một kẻ nghiện ngập, tôi trưởng thành lên nhân viên trung tâm cai nghiện nên có nhiều thuận lợi khi làm việc. Tôi có sự thấu hiểu và sẻ chia với học viên cai nghiện trong tiêu chí "Tình thương và trách nhiệm" của đơn vị. Lúc này tôi đã có tuổi rồi, các học viên nhỏ tuổi thường gọi tôi là bố xưng con, đôi khi còn vui vẻ ôm chặt tôi.

    Trung tâm Bình Triệu tiếp nhận và quản lý đối tượng nghiện ma túy của TP.HCM với đủ mọi thành phần ngoài xã hội. Nhiều kẻ nghiện ngập mang theo cả các sinh hoạt rất phức tạp vào đây, lập băng nhóm trong phòng, ức hiếp các học viên khác, đánh nhau tạo "số má" cho mình.

    Để có nơi riêng biệt quản lý học viên vi phạm mức độ phải cách ly xử lý kỷ luật, trung tâm có phòng giáo dục cá biệt (phòng kỷ luật) do đơn vị bảo vệ quản lý. Tôi được phân công trách nhiệm phòng đặc biệt này sau những lần các nhân viên khác gặp khó khăn khi đảm trách. Các học viên "đại bàng" có, lì lợm không chấp hành nội quy, thẩm lậu đồ cấm, đánh nhau, gây rối đều có mặt ở đây.

    Tiếp cận sâu sát từng học viên, kinh nghiệm giúp tôi nhận biết đằng sau những vi phạm, hành vi cá biệt, ngang tàng đều có nguồn cơn. Vừa là "bố" vừa là "thầy", tôi tâm tình cho các em bày tỏ hết nỗi niềm chất chứa trong lòng. Nhờ đó tôi tìm ra phương cách giáo dục, lôi kéo từng học viên cá biệt trở lại bình thường.

    Ngược lại những hình ảnh tiêu cực, tôi cũng xúc động được chứng kiến nhiều tính thiện tốt đẹp của các học viên khác mang lại. Như em N.H. trước khi vào trung tâm là một diễn viên điện ảnh được nhiều người biết đến. Vào đây, sau giai đoạn cắt cơn nghiện, em được chuyển qua khu sinh hoạt và tích cực tham gia lao động để sửa mình.

    Trường hợp ca sĩ C.T. cũng cố gắng học tập, lao động để giã từ ma túy. Nhiều cô chiêu cậu ấm khác sau giai đoạn cắt cơn nghiện, khỏe mạnh lại, đều tự nguyện tìm kiếm công việc để tham gia, không còn lười biếng như trước.

    Kỷ niệm khó quên của tôi là chuyện một học viên nam thuộc khu quản lý giáo dục vừa gặp gia đình vào thăm, lại tự lao đầu vào hàng rào sắt làm máu chảy ướt mặt, loang cả xuống áo.

    Tôi nghe tiếng la của nhiều người liền chạy đến, cố gắng giữ học viên này không tự sát. Trong lúc giằng co, máu từ học viên này dây sang ướt đỏ cả người tôi. Học viên đã bị HIV, hai anh chị của em này cũng bị và đã qua đời. Đưa được em về phòng y tế chăm sóc thương tích, tôi chạy vội vào toilet, cởi bỏ đồ mặc trên người mà đứng dưới vòi sen tắm rửa máu dính trên thân thể mình. May là tôi không bị nhiễm.

    Tôi không còn chế độ nội trú trong trung tâm. Mỗi ngày sau ca trực, tôi được về nhà, được sống như bao người bình thường. Tôi không trốn chạy ma túy nữa mà trực diện đối đầu với nó để giúp người. Nhiều lần học viên cai nghiện dịch vụ được hồi gia, đã mời tôi đi uống cà phê rồi bày đồ nghề chơi ma túy để rủ tôi cùng chích choác.
    Bình tĩnh, tôi giữ được mình và nhẹ nhàng tìm lời khuyên các em tránh xa ma túy. Những lời tâm huyết từ người từng trải nỗi đau ma túy đã thấm dần vào tâm can các em. Từ đó, các em thêm mến và kính trọng tôi như người anh, người thầy dẫn dắt mình.

    Trong quá trình chiến đấu chống ma túy, giành giật lại từng con người, tôi hay kể chính chuyện đời mình, một kẻ nghiện nặng "ken hai chế độ" (hàng trắng rồi hàng đen) nhưng cuối cùng đã vượt qua được cho các em suy ngẫm. Có một học viên lần đầu vào trung tâm cai nghiện dịch vụ thời hạn một tháng. Khi vào em chưa tròn 16 tuổi, đang là học sinh lớp 10 bên ngoài.

    Tôi gần gũi tìm hiểu thì được biết gia đình nuông chiều cho em nhiều tiền, rồi bị đám bạn hư dụ dỗ, lôi kéo chơi heroin. Đến khi em lộ ra vật vã thì nhà mới biết và đưa vào cai nghiện. Hết tháng cai, gia đình nhận về, nhưng được vài tháng lại đưa em vào cai vì tái nghiện... Tôi cố gắng tâm tình, khuyên nhủ em và kết hợp với gia đình giúp em thoát nghiện.

    Rồi em được hồi gia về lại với gia đình. Nhớ lời tôi dặn, cứ ngày nào tôi ra ca trực là em đến chơi với tôi. Buổi tâm tình, khuyên nhủ nào, tôi cũng kết thúc bằng câu nói: "Khi nào thấy bố chích xì ke lại thì con cứ chơi lại. Còn không thì con hãy từ bỏ ma túy như bố đã từ bỏ nó".

    Trong lòng em đã coi tôi như người cha thứ hai của mình. Tôi mừng vô cùng khi bốn năm sau em đến gởi thiệp cưới. Bằng cái nhìn từng trải, tôi biết em không sa ngã lại.


    Gia đình hạnh phúc của ông Xuân - Ảnh: NVCC

    Tổ ấm gia đình

    Năm 2005 tôi lấy được vợ, để trả hiếu với cha mẹ và có được tổ ấm hạnh phúc như bao người bình thường. Cô ấy nhỏ hơn tôi 19 tuổi. Ngày đám cưới, ban giám đốc và cán bộ, nhân viên của Trung tâm Bình Triệu đến dự đông đủ, chúc mừng tôi. Đó cũng là thành quả của cơ quan trong việc giáo dục tôi, một kẻ nghiện ngập đã nhiều năm lún sâu dưới địa ngục ma túy.

    Ngay cuối năm đó, vợ chồng tôi được tin vui có công chúa đầu lòng. Ngày nào tôi cũng áp mặt vào bụng vợ mà chuyện trò với con. Tâm trạng được làm cha lâng lâng trong người. Ba năm sau, chúng tôi lại được thêm một bé gái. Nhà tôi vui hẳn lên khi có tiếng trẻ khóc, cười, tiếng bi bô tập nói, tập đi. Hình ảnh thiên đường hạnh phúc mà tôi không bao giờ dám nghĩ tới, chứ đừng nói mơ ước lúc còn sa đọa với "cô ba phù dung".

    Đơn vị hiểu cảnh nghèo của vợ chồng tôi nên cũng giúp việc làm thêm. Mỗi sáng sớm, tôi nhận đơn hàng của căngtin cơ quan để đi nhận hàng và được trả tiền công vào cuối tuần. Tôi không thấy mệt nhọc gì khi nghĩ đủ tiền mua sữa cho con, mua thêm tí thức ăn hay manh áo mới cho vợ.

    Tôi nhớ khi con gái thứ hai đi nhà trẻ, tôi mới được nghỉ tết thật sự. Trước đó tết nào cũng vậy, hết ca trực của mình tôi lại vào trực ca của người khác nhờ cậy để tìm thu nhập thêm cho gia đình.

    Vợ tôi cũng rất yêu thương, tần tảo chăm lo chồng con. Đạp xe đưa con đi nhà trẻ xong, cô ấy lại tất tả đạp xe đến chỗ thuê mướn mình làm việc nhà. Cuối tuần nhà trẻ đóng cửa, vợ tôi phải đưa hai con theo luôn. Để chị em chơi với nhau, vợ tôi vừa làm vừa trông nom con. Cuộc sống vất vả, nghèo khó nhưng tràn ngập yêu thương trong gia đình tôi.

    Tôi lấy được vợ là lúc tôi đã 52 tuổi, rồi lại được thêm hai nàng công chúa xinh ngoan. Bây giờ cô công chúa lớn của tôi đã vào lớp 9, cô nhỏ vào lớp 6. Mỗi ngày được quây quần đầm ấm bên vợ con là hạnh phúc không gì sánh được trong cuộc đời tôi. Hôm nay tôi đã 67 tuổi rồi. Nếu không từ bỏ ma túy, tôi không dám nghĩ nổi thân tàn ma dại của mình sẽ như thế nào!

    "Con lạc đà đi qua lỗ kim" là có thật. Đó là chuyện về tôi, một người nghiện ngập triền miên đã đứng lại được, làm lại được cuộc đời để tròn vẹn ước mơ trở thành con người bình thường.

    Và tôi đã trả nợ đời, trả nợ mẹ cha, trả nợ xã hội. Mai này được gặp lại mẹ cha ở nơi nào đó, tôi sẽ thanh thản cất tiếng yêu thương: cha ơi, mẹ ơi!

    Nụ cười hạnh phúc

    Sáu tháng ròng rã viết tự truyện này, nhiều ngày ông Xuân đã viết trên giường bệnh. Ông mắc nhiều thứ bệnh, trong đó có xuất huyết bao tử và nặng nhất là K gan. Tuy nhiên, ông đã kiên cường vượt qua để hoàn thành cuốn tự truyện đời mình.

    Tâm sự với tôi, ông chia sẻ: "Mục đích tui viết tự truyện này không có gì khác là bài học cho các bạn trẻ. Một bài học có đủ cả sa đọa, tủi nhục, đắng cay, nhưng cuối cùng tui đã giành lại được phần người của mình. Hãy tránh xa ma túy khi còn kịp, nhưng ai đã lỡ dính vào rồi thì vẫn có thể vượt qua như chính bài học đời tui".

    Hiện nay ông Xuân và gia đình đang sống rất nghèo trong căn nhà chỉ 7m2 cuối hẻm sâu. Nhưng ông đã có nụ cười hạnh phúc...
    QUỐC VIỆT

    Tôi có một tham vọng, một tham vọng nhưng không bao giờ vô vọng. Tôi mơ ước một ngày nào đó một người nào đó nghiện heroin hay nhiễm HIV, hoặc một gia đình nào có người thân như vậy thì điều đầu tiên họ nghĩ điến sẽ là heroin-aids.com chứ không phải bất cứ trường cai hay trung tâm tư vấn nào khác

    Bằng mọi giá, bằng tất cả, bằng tình yêu thương chúng ta hãy đoàn kết đứng lên bảo vệ và dành tiếng nói cho người nghiện hoàn lương. Kịch liệt phản đối thái độ phân biệt đối xử. THANH NIÊN HEROIN-AIDS.COM hãy làm sao cho cộng đồng có một cái nhìn đúng và thiện cảm hơn đối với những con người có quá khứ một thời lầm lỡ

  5. #15
    Cái kết thật có hậu, chúc bác mãi giữ được ý chi và sức khỏe.
    Bình Minh Mùa Thu

  6. #16
    Cái kết thật có hậu, chúc bác mãi giữ được ý chi và sức khỏe.
    Anh Tinhphai7x kể chuyện của mình đi anh. E nghĩ chuyện của anh cũng là một cái kết có hậu như câu truyện trên mà ^^
    Tôi có một tham vọng, một tham vọng nhưng không bao giờ vô vọng. Tôi mơ ước một ngày nào đó một người nào đó nghiện heroin hay nhiễm HIV, hoặc một gia đình nào có người thân như vậy thì điều đầu tiên họ nghĩ điến sẽ là heroin-aids.com chứ không phải bất cứ trường cai hay trung tâm tư vấn nào khác

    Bằng mọi giá, bằng tất cả, bằng tình yêu thương chúng ta hãy đoàn kết đứng lên bảo vệ và dành tiếng nói cho người nghiện hoàn lương. Kịch liệt phản đối thái độ phân biệt đối xử. THANH NIÊN HEROIN-AIDS.COM hãy làm sao cho cộng đồng có một cái nhìn đúng và thiện cảm hơn đối với những con người có quá khứ một thời lầm lỡ

  7. #17
    Cũng muốn viết lắm, trải lòng những khi buồn, những tâm sư chẳng biết nói cùng cai.
    Ơ nhưng mà đi học chưa qua lớp 7 cô giáo bỏ đi lấy chồng lên em hổng có văn...)
    Mà câu chuyện của chú đều có hình ảnh của ae trên này rồi, thôi gửi mình vào bài học của chú vậy.
    mong các ae đều có một kết thúc đẹp... chấm dứt sớm những tháng ngày lầm lỡ.
    Bình Minh Mùa Thu

Page 2 of 2 FirstFirst 12

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •