Từ buông lỏng đến buông thả.Tại hội nghị tổng kết công tác phòng chống ma tuý trong học sinh, sinh viên vừa được ngành giáo dục và công an tổ chức tại Hà Nội, một thông tin khiến nhiều người lo ngại là ma tuý đã thâm nhập đến vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Thậm chí ở những vùng này, có cả giáo viên nghiện hút và có người còn là tội phạm ma túy.


Học viên thanh niên ở trường cai nghiện ma túy

Không còn chỗ bình yên !

Theo báo cáo của hai ngành công an và giáo dục-đào tạo, cả nước hiện nay đã phát hiện 979 học sinh (HS), sinh viên (SV) và giáo viên (GV) nghiện ma tuý, gồm 503 HS, 177 SV và 299 GV. Đáng lưu ý là trong khi tình hình HS, SV nghiện ma tuý giảm thì thời gian gần đây tình trạng GV nghiện ma tuý lại tăng lên: chỉ trong 2 năm 2002-2003 đã có tới 299 thầy cô nghiện ma tuý, trong đó 14 GV phạm tội ma tuý. Tỉnh Sơn La đã phát hiện hai GV phạm tội ma tuý đặc biệt nghiêm trọng là Nguyễn Duy Sơn, Phó hiệu trưởng trường trung học cơ sở Bó Mười, Thuận Châu; và Cao Diệp Thành, GV tiểu học xã Chiềng Khơi, Mai Sơn đã thường xuyên tổ chức sử dụng và bán lẻ ma tuý ngay tại cổng trường cho các em HS. Tại Lào Cai, một phó hiệu trưởng trường tiểu học thị trấn Mường Khương còn vận chuyển 4 000 ống tân dược gây nghiện từ Trung Quốc qua Lào Cai về Hà Tây, Hà Nội để tiêu thụ. Tại Lai Châu phát hiện một phó hiệu trưởng trường trung học cơ sở Điện Biên Đông vừa nghiện vừa phạm tội ma túy...

Một điều đáng báo động khác là số HS, SV, GV nghiện ma tuý ở miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn phát triển nhanh. Dẫn đầu là Sơn La: 197 người (gồm HS, SV, GV); Thanh Hoá: 102; Yên Bái: 67... Một số địa phương trước đây được coi là "bình yên" như Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Phú Yên, Gia Lai...thì đến nay cũng đã phát hiện HS, SV nghiện ma tuý .


“Cái gốc” của bệnh


Thanh niên ra quân phòng chống ma túy

Theo nhận định của cơ quan chuyên môn thì những địa bàn có đông HS, SV và GV nghiện ma túy là do thiếu quan tâm chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương; sự yếu kém của các tổ chức đoàn thể, phong trào quần chúng, nhất là mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Cũng theo thống kê của ngành giáo dục thì 52% HS, SV nghiện là do gia đình thiếu quan tâm hoặc quá chiều chuộng, buông lỏng quản lý; 28% thích đua đòi, lêu lổng, sống buông thả; 14% do tò mò, hút thử rồi nghiện; chỉ có 6% có bố mẹ bỏ nhau hoặc kinh tế khó khăn...

Như vậy, có thể thấy rằng phần lớn các nguyên nhân dẫn đến việc ma tuý xâm nhập vào học đường - một môi trường lẽ ra an toàn nhất - thì lý do chính là do sự buông lỏng quản lý của từng gia đình, từng nhà trường. Điều này cũng có nghĩa là trách nhiệm của ngành giáo dục và của các bậc cha mẹ không thể xem nhẹ. Đáng lên án là một số gia đình ngại "mang tiếng" nên đã che giấu tình trạng nghiện hút của con em mình; một số trường thì sợ mất thành tích nên khi phát hiện HS, SV nghiện ma tuý thì đuổi học ... Ông Phùng Khắc Bình - Vụ trưởng Vụ HS, SV (Bộ GD-ĐT) thừa nhận: "Công tác giáo dục phòng chống ma túy trong nhà trường là một yêu cầu bức xúc. Việc giáo dục phòng chống ma túy trong nhà trường chỉ đạt kết quả tốt khi có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, chính quyền, gia đình và xã hội, trong đó gia đình giữ vai trò quan trọng; phải dấy lên cho được phong trào quần chúng lên án mạnh mẽ tệ nạn ma túy để từ đó họ tự quản lý, giáo dục chặt chẽ con em mình."